Lạng Sơn: Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh
Mới đây, tại Lạng Sơn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn (Liên hiệp Hội Lạng Sơn) với vai trò cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta”. Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS. Trần Viết Nghĩa - Trưởng phòng Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) làm Chủ tịch và chủ trì cuộc họp.
Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu tham gia phản biện, nhận xét Đề tài
Tham dự cuộc họp có TS. Hoàng Văn Páo - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Hội Lạng Sơn; đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Lạng Sơn; các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu; Ban Quản lý Đề tài; các thành viên tham gia nghiên cứu và thực hiện Đề tài; đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn.
Theo Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề tài, Cử nhân Nguyễn Quang Huynh - Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã nhận định Khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi và phong trào Cần Vương chống Pháp ở miền núi miền Bắc nước ta thời cận đại. Mặc dù có nhiều ưu điểm tích cực nhưng cuộc khởi nghĩa cũng mang nhiều hạn chế chung và riêng khiến cuộc khởi nghĩa cuối cùng đi đến thất bại.
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan, Hội đồng đã thống nhất đánh giá Đề tài đạt yêu cầu với 3 phiếu xuất sắc, 4 phiếu đạt yêu cầu.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, PGS.TS. Trần Viết Nghĩa - Trưởng phòng Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thay mặt Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là một Đề tài hay, có ý nghĩa khoa học, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, đặc biệt góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương. Đồng chí đề nghị nhóm tác giả tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên trong Hội đồng; cố gắng chỉnh sửa để nâng cao chất lượng hơn nữa, đạt kết quả xuất sắc trong lần nghiệm thu chính thức.
Dự kiến Đề tài sẽ được nghiệm thu cấp tỉnh vào tháng 12/2021.
Chu Hương