Lan tỏa và phát triển Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại nghĩa
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long nhiều năm qua đã không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác.
Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa đã góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật trong cộng đồng, được các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long hưởng ứng thực hiện và triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Phóng viên Trang tin điện tử Vusta.vn đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn ông Hà Văn Sơn - Chủ tịch Liên hiệp Hội Vĩnh Long về Hội thi. Theo ông Hà Văn Sơn, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức 9 kỳ, với tổng số giải pháp tham gia hội thi là 482, trong đó đã có 244 giải pháp được trao giải, gồm 05 giải pháp đạt giải I, 29 giải nhì, 60 giải III và 150 giải khuyến khích. Tổng giá trị thưởng từ lần 1 đến lần 9 gần 1,5 tỷ đồng trong đó giải nhất: lần 1 là 6.000.000 đồng, lần 2 đến lần 6 là 15.000.000 đồng, lần 7 đến lần 9 là 24.000.000đ (tương đương 48% giải nhất toàn quốc).
Ông Hà Văn Sơn - Chủ tịch Liên hiệp Hội Vĩnh Long
Trao đổi về thực trạng tổ chức và phân cấp hội thi năm 2023, ông Sơn cho biết, qua tổng hợp chung cho thấy, mặc dù thời gian, số lần tổ chức không giống nhau nhưng phương pháp tổ chức và quy trình đánh giá đề tài, giải pháp dự thi khá tương đồng, như thành lập ban tổ chức do lãnh đạo tỉnh làm trưởng ban, một vài tỉnh do Chủ tịch Liên hiệp Hội làm trưởng ban, sau khi thành lập ban tổ chức ban hành thể lệ, quy chế hoạt động, tiêu chuẩn đánh giá và chọn giải, có tổ chức vòng sơ khảo trước khi thành lập hội đồng đánh giá, chấm giải và thành lập hội đồng vòng chung khảo. Tuy nhiên, có tỉnh chỉ họp ban tổ chức để xét chọn giải, cơ cấu giải thưởng và cơ chế áp dụng còn có sự khác biệt chưa đồng bộ, tùy tỉnh vẫn duy trì áp dụng theo Thông tư 27 của Bộ Tài chính.
Theo ông Sơn, để tổ chức tốt Hội thi, Ban tổ chức hội thi các tỉnh cần chủ động xây dựng cơ chế tổ chức và hoạt động của hội thi theo chủ trương chung của Liên hiệp Hội Việt Nam; Tranh thủ sự hướng dẫn của Ban tổ chức Hội thi toàn quốc trong tổ chức triển khai như xây dựng thể lệ, quy chế hoạt động và quy định chấm, chọn giải; Tăng cường sự tham gia, hưởng ứng của các cấp chính quyền (tỉnh, huyện) của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các trường CĐĐH, các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là giới trí thức khoa học.
Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền vận động cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong từng thành viên Ban tổ chức và theo ngành chuyên môn; Có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo đài để xây dựng các chuyên mục và đưa tin tuyên truyền về hội thi; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền thông qua: trang tin điện tử, pano, áp phích, bướm tin, tờ rơi; sổ tay hướng dẫn, kỷ yếu, tập thông tin KHKT, hội nghị tập huấn,...
Để nâng cao chất lượng cho hội thi, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, qua việc lồng ghép các hoạt động của đơn vị, ngành, hội đoàn thể. Các thành viên Ban tổ chức là đại diện các ngành nâng cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến và phát hiện các tập thể, cá nhân có tiền năng;
Kiến nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo xem xét qui định cụ thể về việc đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa là một tiêu chí ưu tiên trong xét thi đua khen thưởng tại cơ quan, đơn vị: các giải pháp đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích toàn quốc, và giải pháp đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh, thành phố phải được ưu tiên xét đạt các hình thức thi đua tương đương chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, thành phố hoặc chiến sĩ thi đua cấp cơ sở tương ứng; Có chính sách, cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các tác giả đạt giải cao nhằm tiếp tục hoàn thiện đưa những giải pháp sáng tạo mới nhân rộng chuyển giao vào đời sống và sản xuất.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa trong thời gian qua đã khơi dậy ý thức sáng tạo, phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, không chỉ là những cá nhân làm công tác khoa học, cán bộ, công chức, viên chức mà có sự tham gia khá đông đảo của những người lao động thuộc các thành phần kinh tế, kể cả công nhân, nông dân. Hiệu quả từ Hội thi đã góp phần tạo ra nguồn lực khoa học công nghệ mới để phục vụ sản xuất và đời sống, được các đơn vị sản xuất, kinh doanh chuyển giao, phổ biến ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống, sinh hoạt thiết thực của nhân dân.
Lễ tổng kết trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ IX
Theo ông Hà Văn Sơn, mặc dù việc tổ chức Hội thi đạt được nhiều kết quả tốt nhưng vẫn còn một số vướng mắc, như một số tác giả dự thi chưa đầu tư đúng mức trong việc thực hiện giải pháp và trình bày nội dung giải pháp trước Hội đồng giám khảo. Tuy đã được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nhưng vẫn còn tác giả viết bản mô tả giải pháp chưa thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, chưa đúng cấu trúc thể thức, yêu cầu thể lệ Hội thi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Vusta.vn về giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh nói chung và Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp địa phương nói riêng, ông Sơn nhấn mạnh, thứ nhất là cần thống nhất chung về cơ chế giải thưởng trên toàn quốc; Hiện nay, do cơ chế quy định giải thưởng chưa đồng bộ, do vậy Hội thi ở một số địa phương mức giải thưởng còn thấp và ít so với thực tế;
Thứ hai là vấn đề vận động xã hội hóa để hỗ trợ hoạt động tổ chức và nâng cao mức giải thưởng hội thi còn bất cập, cần thiết có chủ trương chung để vận động nguồn quỹ thường xuyên như Quỹ Vifotec của Liên hiệp hội Việt Nam, hình thành nên quỹ hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện để Liên hiệp hội tỉnh chủ động trong tổ chức hoạt động hội thi và tiếp tục phổ biến nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp đạt giải hội thi.
Nhà nước cần sớm tổ chức hình thành và phát triển thị trường khoa học – công nghệ tạo điều kiện liên kết với các doanh nghiệp, nhà tài trợ để mua bán công nghệ, sản phẩm, ý tưởng để tiếp tục phát triển hoàn thiện công nghệ. Hỗ trợ các tác giả trong đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện, chuyển giao từ nguồn kinh phí nhà nước hoặc quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN của quốc gia hoặc địa phương. Phối hợp các ngành chuyên môn, giới truyền thông để hỗ trợ tác giả trong quảng bá thông tin và phổ biến kiến thức đến người dân.
Trong tổ chức hoạt động hội thi, Liên hiệp hội tỉnh được giao nhiệm vụ với vai trò là cơ quan Thường trực hội thi cần có sự tham mưu tốt để UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát các cấp, các ngành, hỗ trợ cán bộ và bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để tham gia phổ biến, tuyên truyền Hội thi ở cơ sở. Phối hợp tốt với thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, người lao động tham gia hội thi và đạt kết quả tốt hơn. Liên kết và xây dựng mối quan hệ tốt với các trường CĐĐH trong việc hỗ trợ chuyên gia tham gia các hội đồng chấm, chọn giải. Đây là những kinh nghiệm và nhân tố tích cực cần phát huy và nhân rộng.
Liên hiệp Hội và các thành viên Ban tổ chức cần tạo điều kiện, cử cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm, nhiệt tình để tham gia Ban Thư ký, hỗ trợ Ban thư ký phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong việc phổ biến, hướng dẫn cụ thể các quy định hội thi và vận động tham gia cũng như giúp đỡ các đối tượng có yêu cầu về kỹ năng viết bản thuyết minh cho giải pháp tham gia hội thi, để nâng cao chất lượng bài báo cáo. Ngoài ra, Thường trực Ban Tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền và phân công các thành viên, chú ý vận động nhiều thành phần tham gia, hỗ trợ hội thi để lĩnh vực dự thi đa dạng hơn, phong phú hơn.
Thường trực Ban Tổ chức hội thi cần chủ động phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí tham mưu UBND tỉnh đủ đảm bảo phục vụ các yêu cầu triển khai Hội thi, nhất là kinh phí về hướng dẫn viết giải pháp và hoàn chỉnh hồ sơ tham gia hội thi toàn quốc; Ứng dụng và hoàn thiện các giải pháp hội thi đạt giải cao.
Thực tiễn của Vĩnh Long trong triển khai ứng dụng các giải pháp vào thực tế, thời gian qua, Liên hiệp Hội đã cùng các ngành hữu quan hỗ trợ một số tác giả tiếp tục phát triển hoàn chỉnh giải pháp để chuyển giao ứng dụng thông qua các đề tài, dự án KHCN; Cùng với tác giả, các ngành chức năng và giới truyền thông tiếp tục quảng bá, tuyên truyền và phổ biến nhân rộng giải pháp đạt giải.
Ngoài ra, Thường trực Ban Tổ chức cần quan tâm sâu sát, dành thời gian và kinh phí thực hiện các nội dung, như xây dựng và triển khai cụ thể Kế hoạch phối hợp với các ngành; Tổ chức hội nghị triển khai cấp tỉnh và cấp huyện. Tổ chức kiểm tra, khảo sát cơ sở. Tiến hành sơ tổng kết theo kế hoạch. Tổng hợp báo cáo và tham mưu đề xuất các đơn vị cá nhân tham gia tổ chức tốt cuộc thi để kịp thời động viên khen thưởng. Hỗ trợ kinh phí cho thí sinh đi nhận giải.
Liên Hiệp Hội Việt Nam và Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc cần thống nhất với các ngành để điều chỉnh Thông tư hướng dẫn về cơ chế giải thưởng các cấp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc. Do hiện nay, do cơ chế quy định giải thưởng chưa đồng bộ, do vậy Hội thi ở một số địa phương mức giải thưởng còn thấp và ít so với thực tế.