Lần đầu tiên “xóa sổ” virus HIV khỏi tế bào của người
Một khi HIV xâm nhập vào tế bào người, nó sẽ ở lại đó mãi mãi. Virus “chèn” vĩnh viễn bộ gene chết người của nó vào DNA của nạn nhân, khiến họ phải điều trị suốt đời để giữ tính mạng.
Nhưng mới đây, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ở Philadelphia (Mỹ) đã tìm ra cách “xóa sổ” hoàn toàn HIV ra khỏi tế bào của người bằng cách “cắt nhỏ” chúng.
Họ đã huy động một phối hợp gồm enzym cắt DNA có tên là Cas9 và một chuỗi RNA dẫn đường (gRNA) để “truy lùng” bộ gene của virus và xóa sổ DNA của nó.
Sau đó, bộ máy sửa chữa gene của tế bào sẽ tiếp quản công việc, “hàn” các đầu của bộ gene bị đứt rời lại với nhau – kết quả là tế bào sẽ "sạch” virus.
“Vì hệ miễn dịch không thể tiêu diệt hết HIV-1, nên việc loại trừ virus là cần thiết để chữa khỏi bệnh", nhóm nghiên cứu giải thích.
Trên thế giới hiện có 33 triệu người nhiễm HIV, bao gồm hơn 1 triệu người ở Mỹ. Mỗi năm nước này có thêm 50.000 người nhiễm virus.
Ở Anh, có khoảng 100.000 người nhiễm HIV ở Anh năm 2013.
Mặc dù các thuốc điều trị HIV đã giúp kiểm soát virus ở những người nhiễm trong 15 năm qua, song virus sẽ bùng phát trở lại nếu ngừng điều trị.
Bước đột phá của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y Đại học Temple đánh dấu nỗ lực thành công đầu tiên trong việc loại trừ virus HIV-1 thể ẩn ra khỏi tế bào của người – và có thể là cách để chữa khỏi hoàn toàn HIV và những bệnh nhiễm trùng thể ẩn khác.