Lần đầu tiên sử dụng công nghệ tạo mẫu nhanh trong phẫu thuật sọ não
Ngày 14-3-2003, lần đầu tiên ở Việt Nam máy tính được sử dụng để phẫu thuật điều trị chấn thương sọ não. Bệnh viện Chợ Rẫy và Phòng thí nghiệm CAD/CAM thuộc Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật này.
Ca phẫu thuật trên do các bác sĩ và chuyên viên của Khoa Phẫu thuật Thần kinh và Khoa Giải phẫu thẩm mỹ thuộc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiến hành, với sự hỗ trợ của Phòng Thí nghiệm CAD/CAM thuộc Khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa (ĐHBK) TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là cô L.N.T, 17 tuổi, bị chấn thương sọ não nghiêm trọng vì tai nạn, phần xương bị hư hại tạo nên một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm. Đến nay, cô T đã xuất viện trong trạng thái sức khỏe hoàn toàn bình thường. Cô T là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được hưởng thành quả kỳ diệu của công nghệ tạo mẫu nhanh.
Kỹ sư Trần Đại Nguyên ở Phòng Thí nghiệm CAD/CAM kể: "Khoa Chẩn đoán Hình ảnh của BV Chợ Rẫy đã trao cho chúng tôi một đĩa CD chứa những dữ liệu chụp cắt lớp (CT scanner) về tình trạng vết thương của bệnh nhân T. Đó chỉ là các dữ liệu hình phẳng, chụp cắt lớp từng khoanh nên chúng tôi đã dùng phần mềm chuyên dụng để tái tạo thành mô hình trong không gian ba chiều (3D) rồi chuyển đổi sang dữ liệu có định dạng STL. Tiếp theo, sử dụng một phần mềm khác để nhận dạng rồi dựng lại mảnh sọ cần đắp vào chỗ bị vỡ để "tái tạo" mô hình với độ chính xác cao và đúng kích thước, có hình dáng tương thích với sọ của bệnh nhân...".
Sau đó, quá trình tạo ra mảnh sọ vá đã diễn ra chỉ trong một ngày tại Phòng Thí nghiệm CAD/CAM, tiến hành trên hệ thống SLA Viper Si2 - thiết bị đầu tiên có ở Việt Nam: Thiết kế và tạo mẫu cấy ghép (thay thế mảnh sọ bị vỡ) bằng vật liệu quang hóa Photopolymer. Tạo sản phẩm cuối cùng ("mảnh sọ" để vá vào chỗ vỡ của bệnh nhân) bằng Methyle Methacrylate do BV Chợ Rẫy cung cấp, với sự hỗ trợ về điều kiện vô trùng của Khoa Răng Hàm Mặt ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo tại hội thảo: "Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tạo mẫu nhanh" lần thứ ba, tổ chức ngày 29-3 tại ĐHBK TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ thực hiện ca mổ và theo dõi quá trình hồi phục của bệnh nhân T đã nhận xét: Việc tiến hành phẫu thuật với mảnh cấy ghép tạo bởi công nghệ tạo mẫu nhanh có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân không phải nằm viện lâu, mức độ thẩm mỹ cao, chính xác về kích thước và có độ dày thích hợp. Điểm nổi bật là giảm đáng kể chi phí cho ca mổ: Khi cùng một lượng vật liệu sinh học, nếu theo cách truyền thống chỉ tạo được chi tiết cấy ghép cho một ca bệnh, thì nay có thể tạo số lượng chi tiết cấy ghép cho ba - bốn ca. Với số lượng mỗi năm có hàng chục nghìn ca chấn thương sọ não chuyển đến BV Chợ Rẫy từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, việc triển khai ứng dụng công nghệ tạo mẫu nhanh để tạo mảnh cấy ghép thay thế xương là rất phù hợp.
Theo Tiến sĩ Lê Chí Hiếu (Khoa Kỹ thuật Hệ thống, ĐH Cardiff, Xứ Wales, Vương quốc Anh), công nghệ tạo mẫu nhanh trong lĩnh vực y học có ba ứng dụng chủ yếu: chế tạo các mô hình y học, các bộ phận cấy ghép thay thế, và các công cụ trợ giúp phẫu thuật. Đặc biệt, các chuyên ngành y học sau có thể "tận dụng" công nghệ tạo mẫu nhanh: phẫu thuật răng hàm mặt và khớp gối, chỏm xương đùi, chấn thương cột sống, gãy xương chậu, phẫu thuật biến dạng sọ bẩm sinh, phẫu thuật tạo hình khuyết sọ, biến dạng khớp xương khuỷu tay, tạo hình các cấu trúc mô mềm (thí dụ hệ thống tuần hoàn), các đồ gá dẫn hướng khoan cắt xương.
Theo Tiến sĩ Hiếu, hiện nay công nghệ tạo mẫu nhanh đã có mặt ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái-lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Tại khu vực ASEAN, các kết quả đạt được từ Dự án Công nghệ Y học (1999 - 2002), thực hiện với sự trợ giúp của Cộng đồng châu Âu, đặc biệt là chính phủ Bỉ, cho thấy công nghệ tạo mẫu nhanh y học có nhiều tiềm năng ứng dụng trong khu vực và "giá thành của công nghệ là chấp nhận được".
Ca phẫu thuật trên do các bác sĩ và chuyên viên của Khoa Phẫu thuật Thần kinh và Khoa Giải phẫu thẩm mỹ thuộc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiến hành, với sự hỗ trợ của Phòng Thí nghiệm CAD/CAM thuộc Khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa (ĐHBK) TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là cô L.N.T, 17 tuổi, bị chấn thương sọ não nghiêm trọng vì tai nạn, phần xương bị hư hại tạo nên một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm. Đến nay, cô T đã xuất viện trong trạng thái sức khỏe hoàn toàn bình thường. Cô T là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được hưởng thành quả kỳ diệu của công nghệ tạo mẫu nhanh.
Kỹ sư Trần Đại Nguyên ở Phòng Thí nghiệm CAD/CAM kể: "Khoa Chẩn đoán Hình ảnh của BV Chợ Rẫy đã trao cho chúng tôi một đĩa CD chứa những dữ liệu chụp cắt lớp (CT scanner) về tình trạng vết thương của bệnh nhân T. Đó chỉ là các dữ liệu hình phẳng, chụp cắt lớp từng khoanh nên chúng tôi đã dùng phần mềm chuyên dụng để tái tạo thành mô hình trong không gian ba chiều (3D) rồi chuyển đổi sang dữ liệu có định dạng STL. Tiếp theo, sử dụng một phần mềm khác để nhận dạng rồi dựng lại mảnh sọ cần đắp vào chỗ bị vỡ để "tái tạo" mô hình với độ chính xác cao và đúng kích thước, có hình dáng tương thích với sọ của bệnh nhân...".
Sau đó, quá trình tạo ra mảnh sọ vá đã diễn ra chỉ trong một ngày tại Phòng Thí nghiệm CAD/CAM, tiến hành trên hệ thống SLA Viper Si2 - thiết bị đầu tiên có ở Việt Nam: Thiết kế và tạo mẫu cấy ghép (thay thế mảnh sọ bị vỡ) bằng vật liệu quang hóa Photopolymer. Tạo sản phẩm cuối cùng ("mảnh sọ" để vá vào chỗ vỡ của bệnh nhân) bằng Methyle Methacrylate do BV Chợ Rẫy cung cấp, với sự hỗ trợ về điều kiện vô trùng của Khoa Răng Hàm Mặt ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo tại hội thảo: "Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tạo mẫu nhanh" lần thứ ba, tổ chức ngày 29-3 tại ĐHBK TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ thực hiện ca mổ và theo dõi quá trình hồi phục của bệnh nhân T đã nhận xét: Việc tiến hành phẫu thuật với mảnh cấy ghép tạo bởi công nghệ tạo mẫu nhanh có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân không phải nằm viện lâu, mức độ thẩm mỹ cao, chính xác về kích thước và có độ dày thích hợp. Điểm nổi bật là giảm đáng kể chi phí cho ca mổ: Khi cùng một lượng vật liệu sinh học, nếu theo cách truyền thống chỉ tạo được chi tiết cấy ghép cho một ca bệnh, thì nay có thể tạo số lượng chi tiết cấy ghép cho ba - bốn ca. Với số lượng mỗi năm có hàng chục nghìn ca chấn thương sọ não chuyển đến BV Chợ Rẫy từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, việc triển khai ứng dụng công nghệ tạo mẫu nhanh để tạo mảnh cấy ghép thay thế xương là rất phù hợp.
Theo Tiến sĩ Lê Chí Hiếu (Khoa Kỹ thuật Hệ thống, ĐH Cardiff, Xứ Wales, Vương quốc Anh), công nghệ tạo mẫu nhanh trong lĩnh vực y học có ba ứng dụng chủ yếu: chế tạo các mô hình y học, các bộ phận cấy ghép thay thế, và các công cụ trợ giúp phẫu thuật. Đặc biệt, các chuyên ngành y học sau có thể "tận dụng" công nghệ tạo mẫu nhanh: phẫu thuật răng hàm mặt và khớp gối, chỏm xương đùi, chấn thương cột sống, gãy xương chậu, phẫu thuật biến dạng sọ bẩm sinh, phẫu thuật tạo hình khuyết sọ, biến dạng khớp xương khuỷu tay, tạo hình các cấu trúc mô mềm (thí dụ hệ thống tuần hoàn), các đồ gá dẫn hướng khoan cắt xương.
Theo Tiến sĩ Hiếu, hiện nay công nghệ tạo mẫu nhanh đã có mặt ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái-lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Tại khu vực ASEAN, các kết quả đạt được từ Dự án Công nghệ Y học (1999 - 2002), thực hiện với sự trợ giúp của Cộng đồng châu Âu, đặc biệt là chính phủ Bỉ, cho thấy công nghệ tạo mẫu nhanh y học có nhiều tiềm năng ứng dụng trong khu vực và "giá thành của công nghệ là chấp nhận được".
Nhật Minh
Theo Tuần tin eChip, http://www.nhandan.org.vn, ngày 10/4/003
Theo Tuần tin eChip, http://www.nhandan.org.vn, ngày 10/4/003