Lai Châu: Ban hành Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội tỉnh
Theo đó, Liên hiệp Hội Lai Châu có nhiệm vụ tập hợp các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học uy tín trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam; các chuyên gia đầu ngành trong các tổ chức trong nước, am hiểu tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạch định chính sách, pháp luận của Đảng, Nhà nước.
Đề án cần thực hiên tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Lai Châu gồm: Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng; chương trình, dự án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; Các đề án do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội Lai Châu và các đề án do Liên hiệp Hội Lai Châu đề xuất và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội phải có cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan nhằm giúp cơ quan được tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm thông tin và căn cứ trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án; đề xuất những giải pháp, kiến nghị góp phần đảm bảo tính khả thi của đề án.
Kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án bắt buộc phải lấy ý kiến của Liên hiệp Hội Lai Châu và các đề án do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao nhiệm vụ được lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Quy định cũng có các nội dung liên quan đến trình tự, hình thức triển khai nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội, trách nhiệm của các bên liên quan…