Labo tích hợp – một hệ thống labo tự động trong xét nghiệm
Ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc Công ty Thiết bị Việt Ba cho biết, so với việc đầu tư một hệ thống tự động hóa phòng thí nghiệm, tính năng kỹ thuật và được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống Labo tích hợp tự động ước tính sẽ tiết kiệm được triệu USD, tận dụng được tài nguyên là nguồn máy xét nghiệm hiện tại có sẵn của các bệnh viện trước đó. Nếu chỉ xét từ tuyến tỉnh và tuyến trung ương, có khoảng 300 bệnh viện tương đương với 300 phòng xét nghiệm, trong tương lai, sản phẩm này sẽ tiết kiệm lớn chi phí đầu tư cho xã hội, tương đương hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, giao diện sử dụng của hệ thống Labo tích hợp bằng tiếng Việt nên thân thiện hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Hệ thống Labo tích hợp được cấu tạo bởi nhiều mô đun xử lý tự động và kết nối với nhau, tạo nên nhiều loại tích hợp: tích hợp các lĩnh vực xét nghiệm lại với nhau như huyết học, sinh hóa, miễn dịch, vi sinh… tích hợp các máy xét nghiệm với nhau thành hệ thống labo tự động; tích hợp các thao của con người; tích hợp không gian làm việc…
Quy trình xét nghiệm trong bệnh viện gồm có 8 bước nhưng chủ yếu được chia thành 3 công đoạn: xử lý mẫu trước xét nghiệm, xét nghiệm và xử lý mẫu sau xét nghiệm. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có công đoạn xét nghiệm được tự động hóa, còn công đoạn trước và sau xét nghiệm thì vẫn làm thủ công bằng tay. Các mẫu sau khi được đưa đến phòng xét nghiệm, việc li lâm, mở nắp, chiết tay, sắp xếp và vận chuyển mẫu máu bằng tay mất rất nhiều thời gian và dễ nhầm lẫn. Sau xét nghiệm thông thường các mẫu máu cũng được lưu trữ thủ công theo quy chế của phòng xét nghiệm, việc tìm để chạy lại hoặc kiểm tra chất lượng chúng rất khó khăn, thậm chí không thể tìm được nếu các labo lớn. Sau đó thông thường các kết quả xét nghiệm gõ bằng tay hoặc thu nhập tự động bằng phần mềm vào cơ sở dữ liệu trong labo, ông Giang chia sẻ.
Ông Giang cho biết thêm, hệ thống Labo tự động tích hợp bao gồm các mô đun chính gồm mô đun xử lý mẫu, dùng để đưa mẫu và cất mẫu về để lưu. Mã của mẫu nhận biết bằng Barcode và đưa mẫu đến các mô đun tương ứng tùy theo xét nghiệm được yêu cầu xử lý; Mô đun trung gian đó là sau khi xử lý mẫu tức là mẫu mẹ hay mẫu được chiết tách được đưa đến mô đun trung gian và đợi ở đó cho đến khi các mô đun tiếp theo, hay máy xét nghiệm sẵn sàng nhận nó, sau đó mẫu lại quay về đây chờ cho đến khi nhận lệnh tiếp theo tự hệ thống; Mô đun phân tích chính là các máy phân tích xét nghiệm của các nhà sản xuất khác nhau trên các lĩnh vực khác nhau như sinh hóa, miễn dịch, đông máu….; Mô đun chuyển mẫu dùng đê chuyển mẫu từ mô đun này đến các mô đun khác và các máy xét nghiệm.
Với mô hình hoạt động như trên, hệ thống Labo tích hợp tự động đã tự động hóa hoàn toàn các khâu trong quy trình xét nghiệm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của phòng xét nghiệm như tối ưu hóa nguồn nhân lực, giảm cường độ làm việc của các kỹ thuật viên, tránh nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm, tối đa hóa được hiệu suất của các nhà máy và giảm thời gian trả kết quả cho bệnh nhân.
Ngoài khả năng tự động hóa toàn bộ quy trình xét nghiệm, Labo tích hợp còn giúp khắc phục được hạn chế phải phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ và vật tư tiêu hao. Một hệ thống Labo tự động của một hãng nước ngoài đồng bộ có giá thành rất đắt khoảng từ 2 đến nhiều triệu USD, hơn nữa lại chỉ kết nối máy của cùng một hãng và cố định không thể mở rộng để kết nối máy của các hãng khác nhau. Do đó không tận dụng được tài nguyên to lớn các máy sẵn có hiện đang hoạt động tại bệnh viện. Labo tích hợp mở cho phép dễ dàng kết nối nhiều máy hơn cả trong hiện tại và trong tương lai, khi các bệnh viện có nhu cầu mở rộng các máy. Không những thế, hệ thống labo này còn có phần mềm điều khiển, theo dõi nên dễ dàng xử lý, tìm kiếm dữ liệu và minh bạch hóa thông tin phòng xét nghiệm.
Ngoài ra ông Giang cũng cho biết, đây là hệ thống tự động hóa phòng xét nghiệm sẽ được thực hiện bởi công ty trong nước sản xuất tại Việt Nam. Điều đó cho thấy doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được kỹ thuật của sản phẩm, và do đó khả năng hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng sẽ được nâng cao, rút ngắn thời gian máy ngừng hoạt động, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả xử lý xét nghiệm cho bệnh nhân, góp phần đáng kể trong nâng cao năng lực khám và chữa bệnh cho ngành y tế Việt Nam.