Kỹ thuật xây dựng và vận hành lò xử lý bụi gỗ/bụi sơn
Việc đưa lò xử lý bụi/bụi sơn vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao: xử lý tới 70-80% lượng bụi, sơn thải ra môi trường, chi phí thấp (5-10 triệu đồng), cấu tạo đơn giản, dễ vận hành, linh hoạt, tiện dụng, có thể đặt ở nhiều vị trí khác nhau.
Để góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, giảm thiểu độc hại cho làng nghề mộc, xin giới thiệu kỹ thuật xây dựng và vận hành lò xử lý bụi/bụi sơn tới độc giả quan tâm:
1. Lò xử lý bụi sơn
- Cấu tạo: Lò xử lý bụi sơn gồm 4 bộ phận: Bộ phận hút và dẫn bụi, bộ phận xử lý bụi, bộ phận thoát khí, bộ phân bể lọc nước thải.
- Xây lò:
+ Nguyên liệu chính để xây lò gồm: 2 quạt, 1 tấm chắn bụi, 6 chiếc phi thùng và 2 khóa van. Ngoài ra còn có một số nguyên vật liệu: Túi bạt, cát, sỏi, than, xi măng, gạch, dây điện, phích cắm, ống dẫn nước.
+ Kỹ thuật xây: Nên xây tại khu vực thường xuyên sử dụng dụng để chà gỗ hoặc phun sơn.
Kích thước tối thiểu của lò xử lý bụi sơn phải đạt yêu cầu: Đường kính quạt 0.7m; túi bạt có chiều dài bằng khoảng cách từ lò đến vị trí làm việc; Kích thước lò: dài x rộng x dày = 3m x 1,3m x 1,2m; tấm chắn bụi: dài x rộng x dày = 1,2m x 0,95m x 0,004m; ống thoát khí có đường kính 0,6m, chiều cao 6m; bể lọc: dài x rộng x cao = 0,5m x 0,5m x 0,7m.
- Các bước xây dựng:
+ Đổ nền đáy lò: bằng bê tông dày khoảng 8cm, láng mịn nền để tránh ngấm nước
+ Xây tường bao xung quanh lò: để chừa hình tròn có đường kính 70cm, cách đáy lò 40cm để đặt cửa hút bụi; chừa lỗ có đường kính 3,8cm cách đáy lò 20cm để lắp van xả tràn; để chừa lỗ có đường kính 2,1cm ở đáy lò để lắp van xả đáy, chừa lỗ có đường kính 2,1cm ở mép trên của lò để lắp ống dẫn nước vào hệ thống tạo mưa.
+ Đổ nắp trên của lò: Bằng bê tông dày khoảng 6cm, chừa lỗ hình tròn có đường kính 50cm ở một đầu của nắp lò để lắp ống thoát khí. Sau đó đạy nắp lò và chát kín xung quanh lò bằng xi măng.
+ Lắp quạt hút số 2: Dùng ốc vít lắp quạt số 2 vào nắp trên của lò và phía dưới cửa thoát khí.
+ Lắp ống thoát khí: Một đầu dùng ốc vít để gắn vào nắp ống thoát khí, một đầu gắn vào cửa thoát khí của lò.
+ Lắp tấm chắn bụi: cách mép cửa thoát khí 10cm, cách đáy bể 25cm, để chừa khe hở thoát khí.
+ Lắp hệ thống ống nước tạo mưa: Hướng phía có lỗ phun mưa vào tấm chắn bụi.
+ Lắp túi bạt vào cửa lò: Tạo khung bằng thép hoặc gò tôn thành phễu. Đầu túi bạt có dây để buộc vào phễu gắn túi bạt vào lò.
+ Lắp quạt hút vào túi bạt
+ Xây bể lọc nước thải: Khi xây tường bao để chừa lỗ đường kính 2,1cm ở đáy bể để lắp van xả nước thải. Sau khi mọi công đoạn hoàn thành, tiến hành dải cát, than, sỏi vào bể lọc sao cho: Lớp dưới cùng của bể lọc là lớp sỏi có chiều dày 20cm, sau đó đến lớp than hoạt tính có chiều dày 20cm, trên cùng là lớp cát có chiều dày 30cm.
* Kỹ thuật vận hành
+ Bật đồng thời hai quạt hút.
+ Mở khóa dẫn nước vào hệ thống tạo mưa.
+ Luôn giữ lớp nước đáy trong lò cao đến van xả tràn.
+ Khi bụi lắng xuống đáy lò nhiều sẽ mở van xả nước đáy để vệ sinh lò và thay nguồn nước.
2. Lò xử lý bụi
- Cấu tạo:gồm 3 bộ phận: bộ phân hút và dẫn bụi, bộ phận xử lý bụi và bộ phận thoát khí.
- Xây lò:Nguyên liệu chính: Quạt 2 chiếc, phi thùng 5 chiếc, lưới lọc bụi 1 chiếc
- Kỹ thuật xây dựng:
+ Kích thước tối thiểu của một lò xử lý bụi cần đảm bảo:
Đường kính quạt 0.7m; túi bạt có chiều dài bằng khoảng cách từ lò đến vị trí làm việc; kích thước lò: Dài x rộng x cao = 3m x 1.5m x 1.5m; Tấm lọc bụi: Dài x rộng x cao = 1,5m x 1,5m x 0,1m; Ống thoát khí có đường kính 0,6m, chiều cao 5m.
- Các bước xây dựng:
+ Đổ nền xây lò
+ Xây tường bao xung quanh: Khi xây để chừa hình tròn có đường kính 70cm, cách đáy lò 50-70cm để lắp cửa hút bụi; chừa lỗ để lắp cửa ra vào để thu dọn bụi và vệ sinh lò có chiều cao 1,3m, chiều rộng 80cm.
+ Đổ nắp trên của lò: dày khoảng 6m, chừa lỗ hình tròn có đường kính 50cm để lắp ống thoát khí.
+ Các bước: Lắp quạt hút số 2;Lắp ống thoát khí; Lắp lưới lọc bụi; Lắp túi bạt vào cửa lò; lắp quạt hút vào túi bạt làm như đối với lò bụi sơn.
-Kỹ thuật vận hành:
+ Bật đồng thời 2 quạt hút.
+ Vệ sinh lò khi bụi trong lò đầy.
+ Tháo lưới lọc bụi để vệ sinh khi lưới bẩn.