Kon Tum: Truyện cổ người Ba Na với trẻ em
Đây là sáng tạo của 2 em Hồ Nguyễn Nghi Dung và Lê Hoàng Nhật Lam học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Kon Tum. Sản phẩm này là mộ trong 5 mô hình, sản phẩm được Ban tổ chức Hội thi STKT tỉnh Kon Tum chọn gửi dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 năm 2018-2019.
Truyện tranh minh họa được chuyển thể từ truyện cổ Bahnar
Bộ sưu tầm danh sách 80 truyện cổ Ba Na; 15 truyện cổ Ba Na được chuyển thể thành song ngữ tiếng Việt - Ba Na, trong đó có 6 truyện cổ song ngữ có tranh vẽ minh họa sống động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...
Có chung niềm yêu thích hoạt động thiện nguyện, mê đọc sách và có năng khiếu mỹ thuật. Những yếu tố tích cực này đã giúp Hồ Nguyễn Nghi Dung và Lê Hoàng Nhật Lam tự tin sáng tạo các sản phẩm “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum”.
Nói về nghiên cứu khoa học, em Nhật Lam khẳng định: Các hoạt động tình nguyện, trải nghiệm giao lưu, trợ giúp, chia sẻ với trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) mồ côi ở các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh đã giúp chúng em hình thành nên những ý tưởng tích cực cho sản phẩm thực tế.
Theo Nhật Lam, thời gian gần gũi, tâm sự với các trẻ em DTTS mồ côi học lớp 6 đến lớp 9, bản thân đã phát hiện các em đều không có các tập truyện, hay sách viết về những truyện cổ dân tộc như: Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai... Nhiều em còn giãi bày không biết truyện cổ dân tộc là gì... Trước thực tế này, Nhật Lam đã chia sẻ với Nghi Dung về ý định sưu tầm các loại sách văn học, các bài báo viết về đồng bào DTTS, nhất là văn hóa dân tộc Ba Na để tặng các trẻ em mồ côi.
Từ trăn trở trên, hai nữ sinh đã đưa những ý tưởng thực hiện sản phẩm “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum” để nhờ thầy cô tư vấn. Kết quả, Nghi Dung và Nhật Lam nhận được sự ủng hộ tích cực ở trường, trong đó có sự ủng hộ của cô Nguyễn Thị Thủy Tiên - giáo viên, đồng thời là phụ huynh học sinh Hồ Nguyễn Nghi Dung và thầy Hồ Hữu Sơn - giáo viên dạy Toán Tin, phụ trách công tác hỗ trợ nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh. Từ đây, các thầy cô đã nhiệt tình gợi mở, hướng dẫn các em xây dựng đề tài của sản phẩm, theo dõi và hỗ trợ kịp thời để sản phẩm ra đời.
Hai em cho biết, sau hơn 1 năm, vào những ngày cuối tuần, Nhật Lam và Nghi Dung rong ruổi xe máy ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu cuộc sống của người dân Ba Na bổ sung tư liệu để hoàn thiện sản phẩm này.
Các làng người Ba Na, trường học và hàng chục nghệ nhân như: A Bưu, A Bưr, Y Trang… ở xung quanh thành phố Kon Tum dần dà quen mặt hai nữ sinh cứ đến nhà trò chuyện, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm về văn hóa, truyện cổ. Có chỗ mất một vài giờ, nhưng có nơi mất cả buổi, do các nghệ nhân kể chuyện theo kiểu truyền thống "hát nói" sử thi kéo rê thời gian. Đây là khâu khó khăn nhất của hai nữ sinh. Bởi vốn tiếng Ba Na của hai cô gái chỉ "lõm bõm", còn các nghệ nhân kể chuyện đan xen tiếng Kinh và Ba Na. Khi ấy phải ghi âm rõ ràng, về mở lại nghe và chép lại. Đoạn nào không hiểu sẽ nhờ người quen, đặc biệt là các giáo viên người Ba Na dịch lại.
Nghi Dung cho biết “Mục tiêu của sản phẩm đặt ra là đưa truyện cổ Ba Na đến với trẻ em DTTS Ba Na dưới hình thức mới, chuyển thể song ngữ tiếng Việt - Ba Na sinh động, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi; qua đó, góp phần giáo dục thẩm mỹ, nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, rèn luyện kĩ năng đọc tiếng mẹ đẻ của học sinh DTTS, khơi dậy niềm tự hào về kho tàng văn học dân gian của dân tộc… Cũng từ đó giúp trẻ em Ba Na có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, ở các trường học, sản phẩm của sản phẩm sẽ là nguồn tư liệu cho giáo viên giảng dạy văn học địa phương, cũng như hoạt động ngoài giờ lên lớp”.
Những tư liệu “sống” có được, các em đều ghi chép, nghiên cứu cẩn thận, sau đó tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhóm nghiên cứu còn thực hiện thu thập dữ liệu, phân tích từ nghiên cứu lý thuyết gắn với đời sống văn hóa của người Ba Na ở Kon Tum và có sự so sánh, tìm hiểu, khảo cứu từ dữ liệu lưu trữ của hệ thống thư viện tỉnh về truyện cổ đã được in thành sách, xuất bản trên thị trường của các tác giả có uy tín trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam, quốc tế...
Trao đổi với nghệ nhân A Biu
Hiện sản phẩm của các em đã đưa về về một số trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum. Qua nhiều ý kiến của học sinh, giáo viên bậc mầm non đến phổ thông cho thấy, các tập truyện chuyển thể song ngữ có hình ảnh minh họa thu hút, tạo hứng thú cho người xem bởi màu sắc, hình ảnh sống động. Học sinh phổ thông đều hiểu được nội dung câu chuyện, nhận thức được ý nghĩa, giá trị tác phẩm (theo các mức độ ở câu hỏi khảo sát). Riêng học sinh tiểu học, truyện có hình ảnh minh họa đã giúp các em tiếp xúc dễ dàng hơn, kích thích phát triển tư duy tốt hơn. Các sản phẩm còn là tư liệu của tủ sách văn học ở lớp học để truyền cảm hứng văn hóa đọc sách cho học sinh; gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Ba Na qua truyện cổ.