Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 09/07/2005 15:57 (GMT+7)

Kinh nghiệm kiểm tra tôm giống trước khi thả nuôi

Theo kinh nghiệm, nếu tôm giống mua ở cơ sở sản xuất giống có uy tín, việc kiểm tra chất lượng không phức tạp, chỉ cấn biết tôm giống được tôm mẹ đẻ lần thứ 1 hay lần thứ 2 và chọn tôm đẻ cùng một mẹ để có sự sinh trưởng đồng đều trong quá trình nuôi.

Nếu mua tôm giống ở nơi khác chuyển đến, phải kiểm tra chất lượng thông qua việc quan sát các biểu hiện của tôm có liên quan đến chất lượng và sinh trưởng trong quá trình nuôi, trong đó chú ý đến yếu tố: sạch bệnh, màu sắc, ngoại hình, trạng thái hoạt động và kích cỡ...

- Kiểm tra tôm sạch bệnh:Những dấu hiệu bệnh lý ở tôm, quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy. Có thể bắt ngẫu nhiên một số tôm để quan sát:

+ Nếu tôm có dấu hiệu bệnh Morodon baculovirus (MBV) thì thân tôm có màu xanh tái hoặc đen sẫm, cũng có thể trên thân có nhiều sinh vật bám; tôm hoạt động chậm chạp.

+ Nếu tôm có dấu hiệu bệnh phát quang, khi để tôm trong tối, tôm sẽ phát sáng liên tục màu xanh.

+ Nếu tôm bị bệnh đỏ thân, thì thấy trên thân có đốm đỏ, các phần phụ của tôm có màu xanh hoặc vàng nhạt.

+ Nếu tôm có bệnh do nguyên sinh động vật, thì trên thân tôm màu nhợt nhạt, mang có màu nâu hoặc đen và có nhiều sợi tơ trắng như bông bám thành đám trên thân.

Nếu 30% số tôm kiểm tra trở lên có dấu hiệu bệnh lý thì loại bỏ không thả nuôi.

- Kiểm tra màu sắc:Thả khoảng 10 cá thể tôm khỏe vào cốc thuỷ tinh chứa nước trong sạch. Nếu thân tôm có màu đen hoặc xám tro, lưng xám lục, bụng xanh lục là tôm khỏe.

- Kiểm tra ngoại hình tôm:Dùng kính lúp quan sát thân, các phần phụ. Nếu hình thái cấu tạo ngoài của tôm hoàn chỉnh như tôm trưởng thành và đủ các phần phụ, đồng thời các phần phụ và vỏ không bị tổn thương là tôm khỏe.

- Kiểm tra trạng thái hoạt động:Thả tôm vào chậu nước sạch. Nếu tôm bơi sát thành chậu, ưa bơi ngược nước, khi có tác dụng đột ngột (bằng tiếng động hoặc vật cản hay ánh sáng mạnh) tôm phản ứng nhanh, nhảy lên khỏi mặt nước... là tôm khỏe.

- Kiểm tra kích cỡ:Lấy 50 cá thể, đo lần lượt từng cá thể bằng cách đặt tôm nằm duỗi thẳng lên giấy kẻ ly, đọc chiều dài tính từ mũi chùy đến mút đốt đuôi. Nếu từ 75% trở lên số tôm đo được có chiều dài từ 20-30mm là đúng tiêu chuẩn chất lượng tôm giống.

Để việc kiểm tra xác định nhanh và chủ động, cần phải chuẩn bị trước các dụng cụ như:

+ Vợt vớt tôm có đường kính vợt 200-300mm, làm bằng lưới cước, mắt lưới 3-4mm.

+ Chậu chứa tôm màu sẫm dung tích 10-15 lít.

+ Cốc thủy tinh trong suốt, dung tích 0,5 lít.

+ Kính lúp tay, độ phóng đại 20 lần.

+ Giấy kẻ ly phủ màng PE trong suốt, chia vạch tới milimet.

Chú ý:Mỗi túi chứa tôm đều lấy mẫu kiểm tra, khi lấy mẫu kiểm tra xong, thả túi chứa tôm xuống ao để tôm quen với nhiệt độ, độ mặn. Kiểm tra đủ tiêu chuẩn sẽ thả tôm trong túi ra ao. Quan sát tôm sạch bệnh trước, nếu không đủ tiêu chuẩn sẽ kiểm tra các yếu tố sau. Nếu đủ tiêu chuẩn sẽ kiểm tra màu sắc, ngoại hình trạng thái hoạt động. Việc kiểm tra kích thước được tiến hành sau cùng.

Ngô Xuân
Nguồn: Khoa học & Đời sống số 23 (1741), ngày 21/3/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).