Kinh nghiệm ấu thơ tạo nên tính ngược đãi
Có tới 70% số cha mẹ hành hạ con cái cũng bị ngược đãi trong quá trình trưởng thành. Nghiên cứu trên khỉ của tiến sĩ Darius Maestipieri, một chuyên gia về động vật linh trưởng ở Đại học Tổng hợp Chicago (Mỹ) cho thấy, sự ngược đãi của mẹ đối với con ở giống khỉ macaque giống với hành vi ở người, kể cả đặc tính lưu truyền qua nhiều đời. Chính vì thế, người ta vẫn tưởng rằng tính bạc đãi có nền tảng gen.
Để kiểm tra lý thuyết trên, Maestipieri đã quan sát một nhóm khỉ macaque qua 2 đời. Ông tách một số khỉ cái sơ sinh ra khỏi nhóm và đem cho một số khỉ mẹ ngẫu nhiên nuôi dưỡng (có thể có cả mẹ đẻ trong đó). Khoảng một nửa số khỉ mẹ này là "kẻ ngược đãi".
Trong thế hệ tiếp theo, tác giả nhận thấy 9 trong số 16 con khỉ cái bị mẹ đẻ hoặc mẹ nuôi hành hạ thời thơ ấu đã trở thành bản sao của mẹ và đối xử tàn ác với con cái.
Trong khi đó, không một con khỉ cái nào trong số 15 con được khỉ mẹ nhân từ nuôi nấng lại bạc đãi thế hệ sau, kể cả những con có mẹ đẻ "độc ác". Điều này cho thấy hiện tượng ngược đãi lưu truyền qua nhiều thế hệ không phải do gen gây nên.
"Kiểu ngược đãi của loài linh trưởng có thể trực tiếp liên quan đến hành vi của con người", Maestipieri cho biết, "Ảnh hưởng của sự bạc đãi do kinh nghiệm trực tiếp hoặc do chứng kiến anh chị em ruột bị hành hạ là yếu tố quyết định ai đó sẽ trở thành kẻ ngược đãi",
Maestipieri cũng tin rằng, trong khi một số hành vi ngược đãi được hình thành từ sự học hỏi kinh nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp, những thay đổi về mặt sinh lý học xảy ra trong quá trình bị hành hạ đã kích thích hành vi này. "Có bằng chứng khẳng định sự chấn động tâm lý thời thơ ấu khiến cho con người trở nên dễ bị stress và ít có khả năng đương đầu với những tình huống thách thức cảm xúc, do đó họ dễ phản ứng theo kiểu bỏ qua nó", ông nói.
Trong nghiên cứu, những con khỉ ngược đãi con cái đã cư xử như thế từ rất sớm, khi đứa con mới được 3 tháng tuổi. Hành vi ngược đãi xảy ra khoảng một lần mỗi giờ và dưới dạng không tự kiểm soát bản thân. Những hành động bạo lực điển hình là đánh khỉ con hoặc đối xử với nó như một vật thể bất động - kéo lê nó bằng chân hoặc đuôi, tung nó lên cao và thậm chí dẫm đạp.
Tuy nhiên, đối với xã hội loài người, có trường hợp được nuôi dưỡng trong môi trường tệ bạc nhưng không trở thành kẻ ngược đãi. Đó có thể là do tính cách hoặc môi trường xã hội đã bảo vệ họ trước ảnh hưởng của thói xấu này.
Nguồn: vnexpress.net 29/6/2005