Kiên Giang: Tư vấn, phản biện mới dừng ở mức cung cấp thông tin sự vụ
Ở Kiên Giang, trong những năm vừa qua, mặc dù tỉnh Kiên Giang chưa ban hành Quyết định tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cùng các hội thành viên, song, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh và hội thành viên đã tham gia tư vấn, phản biện ở một số lĩnh vực như: phản biện đề tài khoa học cấp tỉnh, tư vấn tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học; Hội luật gia hàng năm đều tiến hành tư vấn, trợ giúp pháp lý, Hội bảo vệ người tiêu dung tư vấn cách mua hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số sở, ngành tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội như : Sở khoa học và công nghệ các đề tài, dự án đều mời từ một đến hai thành viên phản biện, Sở y tế chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thực hiện giám định y khoa trong khám và điều trị bệnh…
Tuy nhiên, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh và hội thành viên cũng còn những hạn chế nhất định như: chưa tập hợp đông đảo trí thức và các nhà khoa học tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội những chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, chỉ mới dừng ở mức tư vấn, phản biện cung cấp thông tin sự vụ cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Theo đánh giá của Thạc sĩ Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Kiên Giang , nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội tỉnh trong thời gian qua là: Tuy đã cùng với Sở Khoa học & Công nghệ dự thảo và lấy ý kiến các sở, ngành hữu quan khá nhiều lần nhưng chưa tích cực trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội; theo quyết định 22/TTg thì không xác định các loại đề án ( chương trình, dự án, đề án) như thế nào thì cần được tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Các sở, ban ngành trong tỉnh chưa có sự quan tâm đến việc thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án quan trọng của đơn vị mình. Liên hiệp hội và các hội thành viên chưa chủ động đề xuất các đề án cần phải có thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội nên chưa có xây dựng kế hoạch về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Để đạt hiệu quả cao của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở tỉnh Kiên Giang, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Liên hiệp hội và các hội thành viên cần phải phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cùng các hội thành viên; xây dựng kế hoạch triển khai quyết định 14/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, triển khai hướng dẫn số 819/HD-LHHVN ngày 01 tháng 10 năm 2014 về thực hiện quyết định số 14/2014/QĐ-TTg; xây dựng kế hoạch tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2015 và các năm tiếp theo; cùng với Sở kế hoạch và đầu tư, Sở tài chính, Sở Khoa học & Công nghệ thống nhất các đề tài, dự án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong năm để dự trù kinh phí cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài hội thực hiện tư vấn phản biện, phân loại các đề tài, dự án theo lĩnh vực chuyên môn, sử dụng các tiêu chí thích hợp để đánh giá năng lực thực sự của từng chuyên gia tham gia trong các lĩnh vực “tiến hành tập huấn, nâng cao năng lực của các chuyên gia chủ chốt và cán bộ của tổ chức hội, mời báo cáo viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tập huấn về nghiệp vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội…sẽ cung cấp cho các ngành, các cấp trong tỉnh có thêm cơ sở, luận cứ khoa học và thực tiến, độc lập, khách quan phục vụ quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt các đề án, dự án, các cơ chế chính sách ở địa phương” Thạc sĩ, Nguyễn Văn Khiết, chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ địa phương phải tự nghiên cứu, học tập để vươn lên thực hiện cho được những nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở địa phương, trang bị kiến thức thành thạo về phương pháp thực hiện cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tư vấn, phản biện và cán bộ nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách ở địa phương; nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo ở địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, bởi, nếu cán bộ lãnh đạo địa phương không ủng hộ thì không thể tiến hành công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn của địa phương đó.
Có thể nói, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một hoạt động phức tạp cần nhiều điều kiện để có thể đưa ra được một kết luận đúng đắn nhất đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước nói chung và Kiên Giang nói riêng, giúp cho công tác điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở, luận cứ khoa học khách quan trong việc và chỉ đạo thực hiện các dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.