Khuyến khích gây nuôi để bảo tồn động vật hoang dã
Việt Nam hiện có 126 khu rừng đặc dụng, trong đó có 28 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn thiên nhiên và 39 khu bảo vệ cảnh quan nhằm bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái trong đó có các loài động thực vật hoang dã. Trước tình trạng nhiều loài động vật quý hiếm bị suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt và buôn bán bừa bãi, việc gây nuôi sinh sản các loài là vô cùng cần thiết, nếu biết gắn liền với chiến lược bảo tồn. Theo nhận định của ông Đặng Huy Huỳnh, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học, nếu như kết hợp tốt giữa nhân nuôi gắn với sự nghiệp bảo tồn thì không những không làm suy giảm số lượng các loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế, mà còn tạo điều kiện cho chúng phát triển, sinh sôi nảy nở để phục hồi số lượng thả vào thiên nhiên.
Hiện hoạt động gây nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã đã và đang phát triển. Việc nuôi hươu nai lấy nhung, lấy thịt đã được triển khai ở nhiều địa phương như Sơn La, Ba Vì, Hà Giang, Cúc Phương, Đà Lạt, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… Việc nuôi rắn lấy nọc, nuôi trăn lấy thịt, da đã trở thành hiện thực ở các tỉnh Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Nuôi khỉ đuôi dài của Công ty Nafonavy để xuất khẩu cũng bước đầu thành công. Tại TP HCM, Chi cục Kiểm lâm cũng đang xây dựng chương trình phát triển nghề nuôi cá sấu của thành phố đến năm 2010. Đàn nhím giống của thành phố hiện có trên 80 con, mỗi năm sinh sản được 120-150 con.
Tuy vậy, theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Cương, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, ngoài một số trại nuôi có quy mô lớn, hầu hết các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã vẫn mang tính tự phát, chưa có quy trình, quy phạm kỹ thuật mang tính hệ thống, mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của từng tổ chức, cá nhân. Cụ thể, trong số các trại cá sấu có tại Việt Nam hiện nay, chỉ có 4 trại (3 ở TP HCM và 1 ở An Giang) là đạt tiêu chuẩn cấp phép của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.
Đại diện của trại cá sấu Tồn Phát cũng cho biết hiện nhiều người muốn nuôi động vật hoang dã nhưng gặp phải rắc rối về nguồn gốc hợp pháp. Kiến thức của người chăn nuôi về thức ăn và cách phòng chữa bệnh cho động vật vẫn còn thiếu. Công ty Tồn Pháp kiến nghị Cục Kiểm lâm nên cung cấp những cuốn sách chuyên đề và đề ra các quy định rõ ràng để giúp người nuôi.
Bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân muốn gây nuôi động vật hoang dã, tổ chức CITES đã đề ra 18 thủ tục đăng ký trại gây nuôi sinh sản. Cục Kiểm lâm cũng đang phối hợp với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học để trao đổi kinh nghiệm nhằm chỉnh sửa, bổ sung các quy định và chính sách liên quan đến việc bảo tồn động vật hoang dã.
Nguồn: vnexpress.net 16/7/2005