Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 09/07/2005 15:53 (GMT+7)

Khởi động nhân bản sao la

* Thưa ông, Phòng Công nghệ phôi đã giữ gene sao la từ bao giờ?

- Năm 1997, cùng năm với việc cừu Dolly ra đời, thì chúng tôi cũng có được gene sao la từ mẩu tai và mẩu thịt của các con sao la của Viện quy hoạch rừng (có hai con, một đực một cái, nhưng chết lâu rồi) và của Vườn quốc gia Bạch Mã. Và từ đó chúng tôi vẫn ôm ấp dự định tạo phôi với mục đích nhân bản sao la. Ngoài ra chúng tôi cũng dự trữ được gene của hơn một chục loài thú quý hiếm khác có nguy cơ tuyệt chủng. Công việc này nhằm bảo tồn nguồn gene quý hiếm để khi có điều kiện, ta có thể nhân bản ra các loài thú quý khi chúng không còn tồn tại trong môi trường tự nhiên.

* Còn cần những bước nào để một chú sao la nhân bản thực sự ra đời?

- Nhân bản sao la cũng như quy trình nhân bản vô tính một loài bình thường. Khó hơn một chút vì sao la sống rất hiếm. Cũng không có trứng sao la. Chúng tôi phải cấy phôi vào trứng của một loài khác, gọi là "cấy nhân khác loài". Điều này cũng gặp khó khăn vì đặc điểm sinh học của sao la cũng chưa được nắm rõ (thời gian mang thai, hàng rào miễn dịch sinh sản...) do chúng tôi chưa có được trong tay một con sao la nào. Hiện nay chúng tôi mới chỉ làm được một việc là xác định được sao la có 25 cặp nhiễm sắc thể, và chúng tôi đang xây dựng bản đồ nhiễm sắc thể sao la. Việc tạo được phôi sao la trong ống nghiệm là bước đầu của quá trình nhân bản. Những bước tiếp theo là việc cấy vào cơ thể bò mẹ, chăm sóc và theo dõi xem bò có mang thai được không, thai có khỏe và lớn cho đến lúc "đủ ngày đủ tháng không"?

Hướng thăm dò cấy phôi khác loài vừa được làm ở bên Pháp. TS Jean Paul Renard (Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông nghiệp quốc gia Pháp), người hợp tác với chúng tôi đã cấy phôi sao la trong cơ thể bò được một tháng. Bò đã có dấu hiệu mang thai và siêu âm được sự phát triển của phôi trong tử cung. Chúng tôi chọn bò vì thực tế nghiên cứu cho thấy rằng loài sao la có đặc điểm sinh học gần bò hơn là dê.

* Xin ông cho biết, việc cấy nhân khác loài (cấy tế bào sao la vào trứng bò, để nhân bản sao la) có khó thành công hơn cấy nhân cùng loài (cấy tế bào của bò vào trứng bò để nhân bản ra bò). Và nếu sao la ra đời nó có mang đặc điểm gì của bò không?

- Việc cấy nhân khác loài cũng khó tương đương với việc cấy nhân cùng loài trong nhân bản vô tính. Sao la nhân bản được đẻ ra từ con bò mẹ, nó hoàn toàn không mang đặc điểm gì của bò. Đó giống như việc ta mượn ô-tô của một ông giám đốc đi nhờ, thì bước xuống xe không có nghĩa là ta trở thành ông giám đốc.

* Với điều kiện nghiên cứu khoa học còn nhiều thiếu thốn như ở nước ta hiện nay, ông có thể xác định được cái mốc về thời gian để đi tới thành công?

- Nếu tìm được sao la cái, hoặc trứng của nó thì quá trình nhân bản sẽ diễn ra nhanh hơn (vì xác suất thành công cao hơn). Còn nếu nghiên cứu cấy phôi sao la trong loài khác, thì phải hàng chục năm nữa mới có thể hy vọng có sao la nhân bản, vì phải làm đi làm lại thí nghiệm rất lâu với xác suất thành công (sao la con ra đời và sống được) chỉ 5%. Nhanh hay chậm với chúng tôi hiện nay chỉ phụ thuộc vào vấn đề được đầu tư nhiều hay ít kinh phí. Còn sau khi cừu Dolly ra đời năm 1997, rất nhiều nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan...) đã nhân bản vô tính thành công trên nhiều loại động vật khác nhau (chuột, bò, trâu, ngựa, thỏ, dê...). Việc một con vật ra đời bằng phương pháp nhân bản không còn là chuyện ghê gớm gì nữa.

Nhân bản vô tính là phương pháp dùng một tế bào trứng đã bị loại bỏ nhân, sau đó cấy một tế bào động vật vào trong trứng (tế bào này có thể lấy ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thế, miễn là nó chứa đầy đủ bộ nhiễm sắc thể. Tế bào dùng để nhân bản cừu Dolly là tế bào vú của cừu Dolly mẹ). Tế bào này khi ở trong trứng cũng tự phân chia để hình thành phôi (dưới sự kích thích bằng xung điện và các hoạt chất sinh học). Khi phôi trở thành bào thai, nó mang đặc điểm sinh học giống hệt của con vật cho tế bào.


Nguồnwww.nhandan.com.vn 06/07/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).