Khoa học - vai trò nền tảng của xã hội
Có những niềm vui mà nếu bạn chưa từng trải qua, hoặc có trải qua nhưng dễ dàng bỏ qua nó, bạn sẽ khó mà hiểu hết, cảm nhận hết được. Khoa học tự nhiên, rất khác với bất cứ thứ gì mà con người tạo dựng ra, nó không như kinh tế, xã hội,.... Bởi đơn giản nó là “tự nhiên”, niềm vui nó mang lại cũng là một niềm vui tự nhiên, cái niềm vui con người cảm thấy khi hiểu về thế giới quanh mình. Thế nên mới có những Galileo Galilei sẵn sàng dành cả đời người quan sát các chuyển động và quan sát các vật thể qua kính thiên văn bất chấp sự đầy ải của nhà thờ, những Benjamin Franklin chẳng màng đến sự đe dọa với tính mạng và với sự nghiệp chính trị đầy vinh quang mà tìm kiếm những bí ẩn của dòng điện trong tia sét. Cái hạnh phúc của người làm khoa học, đôi khi chỉ là thỏa mãn cái cảm giác mình đang hiểu hơn về thế giới xung quanh.
Hiển nhiên rằng cái hạnh phúc mà tôi vừa nói tới, nó vẫn còn xa lạ với những người chưa từng trải qua thật nhiều, cảm nhận thật sâu, và hẳn là người ta sẽ nghĩ người ta vẫn có thể tìm được những hạnh phúc khác, niềm vui khác dễ dàng hơn, an toàn hơn. Để có một say mê, và để có thể nuôi dưỡng nó, thì trước hết người ta cần phải biết về cái đẹp, cái giá trị của nó. Ở nhiều trường học, nhất là tại các quốc gia có nền khoa học non trẻ như Việt Nam chúng ta, nhiều lúc người ta đã vô tình bỏ qua việc dạy cho các thế hệ học sinh cái ý nghĩa thực sự của khoa học và giáo dục. Làm sao thế hệ trẻ của chúng ta có thể yêu khoa học, có thể yêu việc tới trường khi người cha, người mẹ, người thầy nói với họ rằng họ học chỉ để tốt nghiệp, và tốt nghiệp chỉ để kiếm tiền?
Bạn cần một ngôi nhà vững chắc
Ai cũng biết mọi người đều cần có một mái nhà để ở, mặc dù có một sự thật là ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn những con người bất hạnh không có được thứ đó. Nhưng hãy tạm dừng ở đó đã, và quan tâm tới những ngôi nhà đã được xây cất nói chung.
Khi nhìn bề ngoài, nếu là người không thực sự thông thạo bạn sẽ chẳng thể biết ngôi nhà đã được xây dựng bằng những vật liệu ra sao, nó vững chắc tới đâu, nhất là khi nó được bao phủ bởi cấu trúc cầu kì, những nhánh cây đẹp đẽ hay lớp sơn lộng lẫy. Người ta thường đánh giá ngôi nhà qua những cái bề ngoài đó, nhất là khi mới nhìn thấy nó. Điều đó là hiển nhiên thôi, vì chúng ta thường dùng đôi mắt của mình làm công cụ đầu tiên để suy xét mọi sự.
Để biết rõ hơn, ta phải tới gần hơn, quan sát kỹ hơn. Lúc này các kĩ sư sẽ là người nắm rõ hơn những người ngoại đạo, vì họ sẽ nhìn thấy sự hợp lý về cấu trúc, về các kích thước của ngôi nhà. Họ cũng không chỉ còn dùng đôi mắt nữa mà bằng đôi tay chạm vào những bức tường, đôi tai lắng nghe những âm thanh phát ra khi chạm tới chúng, họ biết ngôi nhà có được xây bằng những vật liệu vững chắc hay không, có được sơn loại sơn có khả năng chịu nhiệt, chống thấm tốt hay không. Rõ ràng rằng ngôi nhà được xây bằng loại gạch nung rắn chắc và sơn loại sơn giỏi chống lại thời tiết sẽ có độ bền cao hơn nhiều những ngôi nhà được xây cất lỏng lẻo và quét những loại sơn không bảo đảm.
Tuy nhiên có một điều mà ngay cả các kĩ sư xây dựng cũng không phải dễ dàng phán đoán được nếu chỉ quan sát và chạm vào, đó là cái móng của các ngôi nhà vốn nằm sâu trong lòng đất, hoàn toàn nằm ngoài cái khả năng quan sát bằng mắt hay cảm nhận bằng tay, bằng tai của họ.
Ngôi nhà dù có đẹp đến mấy, cộng với việc được xây bằng những vật liệu rắn chắc, quét lên những lớp sơn tốt, nếu có một cái móng tồi hay thậm chí không có móng sẽ dễ dàng sụp đổ nếu gặp một trận bão lớn hay một cơn địa chấn. Đã có nhiều người nhận được những bài học về tính bền vững của căn nhà. Họ tự hào và yên tâm về ngôi nhà mà họ cho là đẹp, xây nên từ những vật liệu được bảo đảm, mà không chú ý rằng có thể do sơ suất hay sự thiếu trách nhiệm mà những người thợ đã làm cho họ một cái móng tồi. Khi họ cố cho ngôi nhà vươn cao hơn bằng cách xây thêm tầng cho nó, hay khi có những cơn địa chấn, nó sẽ dễ dàng sụp đổ, để xây dựng lại nó, người ta sẽ phải làm lại từ cái móng, nếu họ không nhận ra điều đó và xây ngay một ngôi nhà mới trên cái móng tồi trước đó, ngôi nhà mới dù sử dụng vật liệu nào cũng sẽ sớm sụp đổ một lần nữa khi những biến cố xảy đến.
Ngược lại, ngôi nhà có nền móng tốt thì ngay cả với những viên gạch và lớp sơn loại không quá tốt cũng có nhiều cơ hội trụ vững trước những biến chuyển, và nếu nó có sụp đổ chăng nữa, người ta sẽ đỡ mất thời gian hơn nhiều khi xây dựng lại nó.
Như vậy, cái móng giúp ngôi nhà đứng vững, vật liệu giúp ngôi nhà vận hành, còn màu sắc, hình dáng tạo nên vẻ đẹp và sự hào nhoáng của ngôi nhà. Lúc bình yên, bạn thường quan tâm tới vẻ hào nhoáng, nhưng đừng quên nếu không có những bức tường rắn chắc và quan trọng hơn là một nền móng tốt, căn nhà của bạn sẽ sụp đổ bất cứ khi nào, và rất khó để xây lại nó.
Trong tư duy của mỗi con người nói riêng và sự tiến bộ của một nền văn minh, một tổ chức xã hội nói chung thì kiến thức khoa học giống như cái móng của ngôi nhà; các công nghệ, kĩ thuật, các ngành công nghiệp, thương mại giống như những vật liệu xây dựng nên ngôi nhà; còn hoạt động giải trí và những cái ngày nay người ta thường gọi là “kĩ năng mềm” chỉ là vẻ hào nhoáng bề ngoài.
Tại sao?
Hãy thử nhìn lại điểm xuất phát của bất cứ ngành nghề và lĩnh vực gì mà chúng ta đang có, và nhìn lại lịch sử văn minh của loài người. Nhân loại đã bắt đầu từ cuộc sống bầy đàn nguyên thủy tiến lên thành xã hội văn minh bằng các nghiên cứu khoa học (triết học, toán học, vật lý học, thiên văn học...). Mỗi chiếc máy tính bạn đang dùng để đọc những dòng này, mỗi cuộc điện thoại mà bạn thực hiện mỗi ngày, mỗi chiếc xe đưa bạn di chuyển đều là những sản phẩm của các ngành công nghiệp được lấy cơ sở từ các khám phá khoa học. Thật vậy, không hiểu về các lực điện người ta sẽ không thể làm ra bóng đèn điện, chiếc máy tính, không hiểu về tương tác giữa các nguyên tố hóa học người ta sẽ không thể đưa ra những phương thuốc cứu bạn khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, không hiểu về lực liên kết giữa các phân tử vật chất người ta sẽ không chế tạo ra được bất cứ chiếc xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay, tàu thủy nào ... Sự hiểu biết về khoa học dẫn tới sự ra đời của các ngành công nghiệp và chế tạo, sự ra đời của các sản phẩm thúc đẩy các ngành thương mại và dịch vụ để lưu chuyển chúng, và với sự có mặt của tất cả những thứ đó, người ta mới duy trì được cuộc sống vật chất và tinh thần để dành thời gian cho những thú vui, những trò giải trí. Vậy nên khoa học chính là cái móng của ngôi nhà là nền văn minh, là nền tảng của tiện nghi và hạnh phúc.
Khoa học và giáo dục
Không có một định luật nào của vật lý sinh ra chỉ để học sinh học và mang đi thi, không có công thức toán nào người ta nghĩ ra chỉ để làm câu đố vui cho thiên hạ. Mỗi thành tựu nghiên cứu trong khoa học đều là kết quả của một quá trình lâu dài và vất vả, được các nhà khoa học thực hiện để mô tả thế giới, và quan trọng hơn là từ mô tả đó mà xây dựng nên được những công cụ tốt, những ngôi nhà vững chắc cho chúng ta.
Thật đáng lo cho giáo dục khi các thầy cô giáo nói với học sinh rằng các em hãy học một bài vì người ta sẽ đưa nó vào bài thi cuối khóa hay thi tuyển sinh. Cho dù các em có thành công trong những kì thi đó, kiến thức đó sẽ sớm mất đi khi các em không hiểu nó, không nhìn thấy giá trị của nó, và rồi các em sẽ tham gia xây nên những ngôi nhà không vững chắc.
Để xây dựng một xã hội văn minh và một quốc gia vững mạnh, vai trò của thế giới quan khoa học cần được làm rõ. Khoa học không chỉ cần đưa vào giáo dục nhà trường, mà còn cần được đưa vào những công việc và sinh hoạt mỗi ngày.