Khoa học và giáo dục xuống cấp không chỉ do nghèo
Đối với một nước còn rất nghèo như Việt Nam, sự đầu tư như vậy không thể coi là ít, dù vẫn chưa đủ. Một lợi thế của Việt Nam là người dân rât thiết tha với việc học - điều may mắn hiếm có trong một xã hội còn lạc hậu. Tuy nhiên, lợi thế ấy tự nó chưa có tác dụng gì đáng kể, nếu không có một cơ chế quản lý thích hợp để phát huy nó đúng hướng. Kinh nghiệm vừa qua đã cho thấy, mặc dù người dân thông minh và ham học, khoa học và giáo dục vẫn tụt hậu dài dài. Các quan chức thường đổ lỗi cho đầu tư chưa đủ mức, chẳng hạn, chi phí đầu người cho giáo dục của ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Chưa cần nói đến mức độ tin cậy của các số liệu nêu ra, chỉ nguyên cách so sánh ấy cũng cho thấy một quan điểm làm giáo dục mà chỉ biết tính giá trị tuyệt đối mức đầu tư, chứ không quan tâm đến cái quan trọng hơn là hiệu suất sử dụng. Mà nói đến hiệu suất, thì phải thấy chúng ta nghèo nhưng tiêu pha cho việc họchết sức hoang phí, trong nhiều việc còn ngông hơn cả các nước giàu . Chỉ riêng các cuộc thi cử đủ loại, ở các cấp, cũng đã vung phí hàng chục nghìn tỉ mỗi năm (thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp, thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi về từng môn văn, toán, lý, chủ nghĩa Mác-Lênin, ..., ở quận, thành, tỉnh, toàn quốc, thi tuyển giáo viên, thi vở sạch chữ đẹp,...) ; rồi sách giáo khoa in đi in lại thường xuyên, rồi hội thảo đủ lọai, đủ cỡ, rồi chi tiêu cho việc dạy thêm, học thêm, luyện thi, rồi thí điểm này nọ, liên miên, v.v., tất cả các họat động đó không chỉ lãng phí lớn sức người, sức của, mà còn là cơ hội phát sinh tham nhũng, gian dối tràn lan: thất thoát trong xây dựng trường sở, mua sắm thiêt bị, chạy chức, chạy dự án, chạy đề tài, mua bán bằng giả, mua bán luận án, gian lận thi cử, v.v... chẳng còn thiếu thứ gì. Cho nên, nếu cứ tiếp tục làm giáo dục theo kiểu này thì đến một lúc nào đó, có thể không còn xa, cái giá phải trả vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, dẫn đến sự suy sụp không dễ gì gượng dậy nhanh chóng. Đó là nguy cơ lớn đang tiềm ẩn, không thể coi thường. Chỉ trừ một số quan chức có thói quen ở đâu và lúc nào cũng nhìn thấy thành tựu, luôn luôn lạc quan ngay cả bên bờ vực thất bại -- còn ngoài ra, bất cứ ai là nhà giáo, nhà khoa học, là công dân có ý thức trách nhiệm, đều không thể dửng dưng trước tình hình bất bình thường nghiêm trọng của giáo dục và khoa học kéo dài mấy thập kỷ nay. Chưa bao giờ như mấy năm qua, báo chí, truyền thanh, truyền hình, các phiên họp Quốc Hội, ... phản ảnh liên tục sự bất bình cùng những bức xúc, lo lắng của các tầng lớp nhân dân xung quanh việc học. Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, không ai có thể ngồi yên, cho nên một nhóm trí thức trong và ngoài nước cũng đã gửi lên trung ương và chính phủ một bản kiến nghị về chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục. Đến nay, sau một năm nhìn lại, có thể nói, cùng với những ý kiến phát biểu qua nhiều kênh khác, bản Kiến nghị đã có tác dụng góp phần thúc đẩy một số thay đổi tích cực trong nhận thức và chủ trương đối với giáo dục. Tuy nhiên, nhìn chung sự chuyển biến còn quá chậm và sức quán tính còn quá nặng ở những khâu mà lợi ích riêng của một số người trong bộ máy quản lý dính với cơ chế xin-cho, vốn là đặc trưng chưa xóa được của kiểu quản lý bao cấp quan liêu. Trong bức tranh chung của xã hội, giáo dục và khoa học vẫn đang tiếp tục còn nhiều mảng tối đáng lo ngại.