Khoa học và công nghệ với xây dựng và phát triển mô hình nông thôn mới ở Thanh Hóa
Trước yêu cầu thực tiễn đó, Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định nông thôn mới (NTM) cần phải: “có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp , dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao; nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và có đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ NTM; nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Từ năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm Đề án xây dựng NTM cấp thôn, bản theo phương pháp tiếp cận mới “ dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ”. Đề án này được triển khai ở 17 thôn tại 14 tỉnh đại diện cho các vùng kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau. Qua 2 năm thực hiện, Chương trình thí điểm xây dựng NTM đã hình thành được 17 mô hình về xây dựng NTM cấp thôn theo phương pháp tiếp cận, dựa vào cộng đồng và do cộng đồng làm chủ. Bên cạnh một số thành công đã cho thấy còn nhiều vấn đề phức tạp chưa đạt yêu cầu là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan chính là nhận thức của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương về xây dựng NTM còn chưa đầy đủ, chư đúng với chủ trương của Đề án.
Để triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương để trực tiếp chỉ đạo, triển khai Chương trình thí điểm xây dựng NTM cấp xã trên 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước theo 19 tiêu chí (Quyết định số 491/QĐ –TTg ngày 16/4/2009 của Thủ Tướng Chính phủ).
Chương trình thí điểm nhằm 3 mục tiêu:
- Xác định mục tiêu, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách cần thiết;
- Phân công, trách nhiệm rõ ràng cho các cấp trong chỉ đạo xây dựng NTM
- Tạo ra một số mô hình thực tế về NTM để học tập, rút kinh nghiệm
Sau gần 3 năm thực hiện, Chương trình thí điểm đã thành công, đạt được một số kết quả quan trọng tạo cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục hoàn thiện các chính sách xây dựng NTM và để hình thành, phát triển các mô hình NTM trong những năm tới.
Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết đinh số 800/QĐ –TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu chung của chương trình là: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh chông nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đồng thời đời sống vật chất và tinh thân của người dân ngày càng được nâng cao. Theo đó, đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đạt 50% vào năm 2020 (trên tổng 9.121 xã của cả nước).
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cần phải tiếp tục giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức sau:
- Còn thiếu cơ sở lý luận cho xây dựng NTM ở Việt Nam. Mặc dù đã có các tiêu chí xây dựng NTM, nhưng cần làm rõ hơn hình hài của nông thôn Việt nam trong thập kỷ tới, cũng như trong tương lai 20-30 năm tới trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
- Hệ thống cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế để huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế, các nhà khoa học và đặc biệt là của người dân với tư cách là chủ thể của NTM.
- Nguồn vốn xây dựng NTM; vấn đề xây dựng nông thôn gắn với sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ kiến trúc cảnh quan nông thôn, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng vùng miền, thậm chí của từng làng, xã… đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới; có cơ sở khoa học vững chắc để giải quyết.
- Mâu thuẫn giữa nh cầu thu hút đầu tư của tư nhân vào khu vực nông nghiệp và nông thôn để thúc đẩy phân bố lao động, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng nhanh nông sản, hàng hóa chất lượng cao với những cản trở về rủi ro, hiệu quả thấp và những khó khăn khác dẫn tới không hấp dẫn các nhà đầu tư.
- Thách thức về nhu cầu phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đáp ứng được nhu cầu về chất lượng của thị trường với tình trạng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp yếu kém và không đồng bộ.
- Trình độ nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn thấp, so với đòi hỏi của một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, bền vững trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và tác động của biến đổi khí hậu.
Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đảm bảo thực hiện thắng lợi, bền vững Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/2010, cần hình thành Chương trình khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp, đưa ra các cơ sở khoa học vững chắc, phục vụ xây dựng NTM.
Để triển khai thực hiện tốt chương trình nông thôn mới ở Thanh Hóa, ngày 7/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2005/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng NTM tình Thanh Hóa giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030; kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 24/8/2010 triển khai lập quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tình và thực hiện xây dựng NTN tại 11 xã, gồm: xã Xuân Phú, huyện Quan hóa, xã Xuân Du, huyện Như Thanh; xã Thành Long, huyện Thạch Thành; xã Quý Lộc, huyện Yên Định; xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân; xã Thiệu Trung, huyện Thọ hóa; xã Trường Sơn, huyện Nông Cống; xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn; xã Nga An, huyện Nga Sơn; xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương; xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa. Sở NN&PTNN được giao là cơ quan Thường trực giúp Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh tổng hợp tình hình chung, đầu mối triển khai thực hiện các nội dung, công việc về xây dựng NTM và hướng dẫn lập quy hoạch phát triển nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Mục tiêu đến năm 2013 trong 11 xã được chọn thí điểm xây dựng NTM ở Thanh Hoá sẽ phấn đấu hoàn thành 19 chỉ tiêu xây dựng NTM và đến năm 2015 có 20% tổng số xã trên địa bàn tỉnh đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay có 4/11 xã gồm các xã: Quý Lộc, Trường Sơn, Minh dân và Thiệu Trung đạt 9 chỉ tiêu trở lên, tuy nhiên vẫn còn 5 tiêu chí gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo và cơ cấu lao động hiện chưa có xã nào đạt được.
Theo đó, Sở khoa học và Công nghệ Thanh hóa có nhiệm vụ: Chỉ đạo các địa phương về ứng dụng khoa học công nghệ mới, các đề tài khoa học vào sản xuất đạt hiệu quả, các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông thôn. Tập trung xây dựng các chương trình cụ thể đưa khoa học và công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư, ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học, chọn tạo giống mới, cây trồng con nuôi, công nghệ chế biến sau thu hoạch; xây dựng các quy trình thâm canh, sản xuất tiên tiến tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp và nông thôn.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình nông thôn mới ở Thanh hóa, Khoa học và công nghệ Tỉnh nhà cần định hướng thực hiện và giải quyết một số nội dung chính trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất:Tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận của mô hình NTM, đánh giá và đưa ra bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM trong những năm qua và dự báo phát triển nông thôn mới đến năm 2020; Dự báo phát triển nông thôn và hình thành định hướng NTM giai đoạn 2020 – 2030 và sau 2030; cơ sở khoa học, lý luận về xây dựng NTM và yêu cầu đối với xây dựng nông thôn trong từng giai đoạn phát triển.
Thứ hai: Tiếp cận hệ thống, đồng bộ để bảo đảm những kết quả nghiên cứu góp phần vào giải quyết những yêu cầu thực tế xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Bổ sưng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM, huy động sự tham gia của nhiều thành phần, đặc biệt là nông dân, các doanh nghiệp trong xây dựng NTM như: Cơ chế chính sách tích tụ đất đai; cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa; cơ chế chính sách công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của nông dân trong xây dựng nông thôn mới; cơ chế chính sách đảm bảo xây dựng nông thôn bền vững, mang bản sắc, đặc trưng của từng vùng miền, phù hợp với sự phát triển chung và thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thứ ba: Tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, xây dựng các mô hình cụ thể về NTM trên thực tế. Thu hút sự tham gia của các thành phần trong xã hội để giải quyết đồng bộ có liên quan đến khoa học công nghệ theo yêu cầu của phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Xây dựng các mô hình trình diễn về NTM: mô hình quy hoạch – kiến trúc NTM; mô hình tổ chức xã hội nông thôn mới; mô hình ứng dụng công nghệ tưới kết hợp biện pháp canh tác nông nghiệp giảm phát thải Metan và hiệu ứng nhà kính ; mô hình nông nghiệp xanh; mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp co giới hóa nông nghiệp, nông thôn; mô hình ứng dụng cơ chế chính sách trong đầu tư, xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng NTM, mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa; mô hình áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo xây dựng nông thôn mới…
Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến các vấn đề như: xay dựng cơ sở dữ liệu về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ và đào tạo phục vụ xây dựng nông thôn mới; xây dựng các chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho các đối tượng có liên quan trong xây dựng nông thôn mới, chú trọng đối tượng là nông dân.
Như vậy có thể nói, xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nguyện vọng khát khao bao đời nay của nông dân, nông thôn, nó đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn Đảng, toàn dân, của toàn thể các ngành, các cấp, trong đó không thể thiếu vai trò của Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi tin rằng nến chúng ta biết vận dụng một cách sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động hoa học công nghệ vào việc xây dựng NTM thì sẽ mang lại kết quả khả quan trong thời gian tới./.