Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/04/2006 00:39 (GMT+7)

Khoa học công nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long: Chuyển giao - Vấn đề cốt lõi

Ít thuận lợi, nhiều rào cản

Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong vòng 5 năm gần đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta. Trên cơ sở xây dựng mối liên kết giữa các nhà khoa học và nông dân, các cơ quan nghiên cứu đã nắm bắt được những đòi hỏi của thực tế sản xuất và nhu cầu của xã hội, nên đã có những định hướng nghiên cứu phù hợp và thu được những thành tựu nổi bật.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học – Công nghệ xây dựng chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào phục vụ nông nghiệp nông thôn (giai đoạn 2004 - 2010). Mục tiêu của chương trình này là chuyển giao các mô hình đã được khẳng định như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; giống mới, công nghệ mới; cung cấp thông tin KH-CN cho nông dân…

Điển hình là Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam đã nghiên cứu thành công giống ngô lai đơn V98-1, V98-2 ngắn ngày (95 - 100 ngày), năng suất cao 7-9 tấn/ha, được phát triển rộng trên hàng chục nghìn ha ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ, phục vụ cho chăn nuôi và chế biến; một số tiến bộ khoa học kỹ thuật khác trong trồng trọt, chăn nuôi và công nghệ sau thu hoạch đã được áp dụng, góp phần làm tăng năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Thế nhưng, những công nghệ đã được áp dụng hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. GS.TS Võ Tòng Xuân đưa ra một thông tin ấn tượng: “Hàng năm, các nước trên thế giới chi gần 50 tỷ USD cho các nhà khoa học, viện nghiên cứu… để phát triển con người, nhưng hàng năm, trên trái đất vẫn còn gần 1 tỷ người sống trong nghèo đói. Ở nước ta, thành quả KH-CN không ít, thậm chí có thể nói là phải “trùm mền” ở các viện, trường nhưng nông dân vẫn đói công nghệ là một nghịch lý khó chấp nhận”.

Tuy vậy, nghịch lý ấy vẫn đang tiếp tục diễn ra. Điều này khiến các nhà khoa học nóng ruột và đi tìm nguyên nhân. TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp – ĐH Cần Thơ) đã làm một nghiên cứu nhỏ về những rào cản. Theo ông, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến “đường đi” của công nghệ xuống đồng ruộng, đó là cơ sở hạ tầng, thị trường, hình thức khuyến nông, trình độ nắm bắt của nông dân và phương pháp khuyến nông chưa phù hợp. Trong đó, kiến thức nhà nông và phương pháp khuyến nông đóng vai trò quan trọng. Nông dân lúc nào cũng ngại tình trạng nhiều người biết, nhiều người làm; bộ máy khuyến nông thì đang bị “hành chính hóa”, thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật; chính quyền địa phương thì xem nhẹ công tác này, trong khi nhà khoa học không thể đủ sức để đến tận cơ sở…

Đẩy mạnh chuyển giao bằng cách nào?

Chưa lúc nào, yêu cầu chuyển giao công nghệ cho nông dân lại đặt ra hết sức gay gắt như lúc này. Muốn hay không, việc hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới cũng sẽ đem lại không ít bất lợi, nếu sản xuất nông nghiệp thiếu bước chuyển mình thật sự. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng nông dân hiện nay rất cần kỹ thuật cao; cần được các nhà khoa học, quản lý và nhà nước chăm sóc tốt hơn nữa. Tuy nhiên, điều này không thể nói suông, mà phải cụ thể hóa bằng chính sách.

Với quan điểm tương tự, GS.TS Phạm Văn Biên khẳng định: “Công nghệ muốn nhanh chóng được nông dân chấp nhận và áp dựng rộng rãi thì phải thực hiện sự vượt trội cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn hiệu quả kinh tế, nghĩa là giá thành phải hạ và chất lượng phải cao”. Thế nhưng, chuyển giao bằng cách nào và làm thế nào để nông dân đón nhận công nghệ không là chuyện đơn giản.

TS Lê Minh Sắc –Vụ KH-CN (Bộ KH-CN) đề xuất: “Khi chuyển giao cho nông dân phải có phương thức phù hợp, có mục tiêu sản xuất rõ ràng, phải phù hợp với trình độ và khả năng của nông dân. Phải chuyển giao công nghệ bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng trên mô hình và máy móc, thiết bị cụ thể là chính. Trong tất cả các phương pháp chuyển giao KH-CN thì việc xây dựng các mô hình trình diễn có vai trò hết sức quan trọng. “Trăm nghe không bằng một thấy”. Thông qua hiệu quả các mô hình trình diễn, người nông dân sẽ dễ dàng tiếp thu và tin tưởng vào các tiến bộ KH-CN được giới thiệu”.

Hiện nay, ở ĐBSCL, số đơn vị làm tốt công tác này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ là đơn vị tiên phong khi áp dụng nhiều hình thức chuyển giao hiệu quả, thông qua sự liên kết với Viện Lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, thường xuyên giới thiệu, trình diễn nhiều mô hình mới trong canh tác, thu hoạch, như máy sạ hàng, công nghệ bảo quản trái xoài… Thế nhưng, nỗ lực trên vẫn chỉ là ít ỏi trong phạm vi nông trường, so với thực tế mênh mông của sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

Nhìn nhận vấn đề này một cách thiết thực, ông Huỳnh Thế Năng – Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho rằng: “Ở các địa phương, nông dân tiếp nhận công nghệ rất máy móc, thậm chí đã đơn giản hóa quy trình công nghệ một cách tối đa. Vì thế, muốn chuyển giao công nghệ thành công và bền vững phải có mạng lưới cán bộ khoa học cấp cơ sở có trình độ trung cấp trở lên tiếp nhận trước rồi hướng dẫn cụ thể cho nông dân”.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ KH-KT hiện nay hết sức mỏng. Cần Thơ là một ví dụ. Quận, huyện nào cũng có Phòng KH-CN, nhưng biên chế thấp, chính sách không rõ ràng, nên cán bộ ở đây chỉ đảm đương được công việc quản lý nhà nước. Đó là chưa kể bộ máy khuyến nông hiện nay còn nhiều bất cập, công tác khuyến nông cũng chưa được các địa phương chú trọng nên nông dân chỉ biết… xem truyền hình, đọc báo và… tự học là chính.

Chương trình bò sữa chẳng hạn, phát triển rầm rộ, nhưng thất bại do không định hướng được vùng nuôi và do nông dân áp dụng sai công nghệ chăm sóc. Ngoài ra, theo GS.TS Phạm Văn Biên, muốn chuyển giao công nghệ hiệu quả cần nâng cao trình độ cho nông dân thông qua việc lồng ghép các chương trình để đưa KH-CN vào sản xuất. 

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng 16/4/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới