Khoa học công nghệ là một sức mạnh
Người chỉ rõ: “Người cộng sản hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người và hiểu biết xã hội để cải tạo xã hội cũ, xấu xa thành một xã hội mới tốt đẹp, một xã hội cộng sản”.
Thuộc phạm trù rộng hơn, khoa học được Người đề cập trong khái niệm về văn hoá. “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Đến đây có thể hình dung một số nội dung chính trong khái niệm tổng quát về khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Khoa học là sản phẩm của trí tuệ, kết tinh từ nhận thức thực tiễn hoạt động của con người trong lịch sử xã hội và tự nhiên; Khoa học là hệ thống các tri thức về các quy luật phát triển của tự nhiên, của xã hội và của tư duy, rất cần thiết cho cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng một xã hội mới tươi đẹp theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Cùng lúc đưa ra khái niệm về khoa học nêu trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương hướng nhiệm vụ hành động cho khoa học nói chung và khoa học tự nhiên và công nghệ nói riêng: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó…”. Như vậy, khoa học Việt Nam thật sự phải là lực lượng vật chất, phải biến tri thức thành sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống nghèo nàn và lạc hậu. Đồng thời, nhiệm vụ cách mạng tạo động lực để khoa học và công nghệ phát triển. Đây chính là luận điểm biện chứng về khoa học và cách mạng. Không chỉ có thế, Người còn dạy chúng ta rằng: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Như vậy, nhiệu vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Mối quan hệ đang xem xét được đặt trong mục tiêu hành động là bảo đảm xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta… Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp… Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”. Người khẳng định “Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất”. “Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến”.
Điều đã trở thành hiển nhiên trong cách mạng Việt Nam như Người đã từng tâm niệm là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể thành công nếu không có đủ tri thức cần thiết, nếu không lôi cuốn được đông đảo đội ngũ tri thức tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng xã hội mới. Thế nhưng, để phục vụ được cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì phải nhanh chóng nắm vững và vận dụng được những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật (công nghệ) của nhân loại. Điều này, Người đã nhiều lần và với nhiều cách biểu đạt khác nhau dạy bảo chúng ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, mở đầu cho sự nghiệp xây dựng nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp.
Theo quan niệm của Người thì “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”. “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận… Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”. Vận dụng vào các ngành khoa học tự nhiên chúng ta thấy rõ, mỗi ngành khoa học đều cần đến một phương pháp luận để xác định được đối tượng nghiên cứu của mình, tìm được các phương pháp nghiên cứu thích hợp nhất. Khoa học là công cụ, là phương tiên để con người làm chủ thiên nhiên và xã hội, để con người xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bác Hồ vĩ đại của chúng ta hiểu thấu đáo và biện chứng giá trị và vai trò của khoa học công nghệ. Chính những hiểu biết ấy là cơ sở lý luận để Người đưa ra các luận điểm phát triển khoa học, công nghệ của nước nhà.
Trong rất nhiều bài viết và bài nói ở các bối cảnh khác nhau, với các ngành khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc cải tiến công cụ, cải tiến trong tất cả các lĩnh vực lao động. Người lập luận: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc và cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường”.
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội cho thấy sự cải tiến công cụ, sản xuất chứng tỏ sự gia tăng của khoa học, bởi vì, chính sản xuất và quá trình hoàn thiện sản xuất, hoàn thiện tổ chức xã hội, đấu tranh cho công bằng xã hội là cơ sở và động lực cơ bản nhất của sự gia tăng trí tuệ con người.
Một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học là: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải tài sản riêng của một nhóm người nào. Bởi vậy, các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động…”. Việc định rõ quan hệ sở hữu khoa học và công nghệ làm sâu sắc thêm mối quan hệ khăng khít giữa khoa học và cách mạng, và mục tiêu của khoa học và công nghệ là phục vụ nhân dân. Khoa học và công nghệ phục vụ nhân dân không chỉ là đưa khoa học, công nghệ cho nhân dân, mà điều quan trọng là phải đưa nhân dân đến với khoa học, công nghệ, huy động nhân dân tham gia sáng tạo khoa học, công nghệ, tạo điều kiện cho nhân dân làm chủ khoa học và công nghệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và dành nhiều công sức cho việc đào tạo “những con người xã hội chủ nghĩa” để xây dựng và phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam. Đồng thời, đề ra chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có lập trường tư tưởng vững vàng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ có thể nhận thức khái quát là khoa học và công nghệ là sức mạnh, là công cụ để con người xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, xây dựng đất nước độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Khát vọng cả cuộc đời và điều mong muốn cuối cùng của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại về “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” là lời hịch thôi thúc mãi trí tuệ Việt Nam.
Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 26 – 02 – 2004, trang 3