Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 25/07/2005 20:58 (GMT+7)

Khó thay, CIO

Thông tin có giá trị như thế nào trong xã hội hiện đại thì rõ rồi. Có người gọi thông tin là “tin lực”, chẳng kém gì “nhân lực”, “tài lực”. Lại có người - mạnh bạo hơn - quan niệm “thông tin là quyền lực”. Những cách nói này không mới ở một số nước phát triển. Khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên thông tin, đương nhiên thông tin rất quan trọng.

Nếu thế, người chịu trách nhiệm hoạch định và sử dụng nguồn lực thông tin, xây dựng các hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (DN) có đương nhiên là người quan trọng và có quyền lực không? Quyền lực của họ đến đâu? Trong hội nghị CIO (Chief Information Officer - lãnh đạo thông tin), ngay sau lễ trao giải 10 CIO xuất sắc Đông Dương hồi cuối tháng 5/2005, vấn đề này đã được mang ra tranh luận.

Mặc dù chưa thống nhất, nhưng đa số ý kiến cho rằng CIO phải có năng lực lãnh đạo hay phải có phẩm chất của nhà lãnh đạo cấp cao trong tổ chức, DN. ứng dụng CNTT không phải là đem về một lô máy tính, mua một vài giải pháp, mà thật sự là một cuộc cách mạng, liên quan đến hầu hết các bộ phận, làm thay đổi tổ chức, lề lối làm việc, thay đổi kỹ năng nhân sự, thậm chí dẫn đến nhu cầu phá vỡ cấu trúc và tái cấu trúc bộ máy nhằm mang lại sức mạnh mới và hiệu quả tốt nhất cho hoạt động của tổ chức, DN. Với những việc “tày đình” như thế, nếu chỉ có sự am hiểu về CNTT, CIO sẽ không thể nào làm được. Cho nên, CIO cần có năng lực, phẩm chất của một lãnh đạo tầm cỡ trong tổ chức, DN.

Nghe ra thật có lý.

Nhưng, có khả năng, tố chất lãnh đạo mà không có vị trí lãnh đạo thì khả năng ấy, tố chất ấy có phát huy được không? Việc trao quyền lãnh đạo cho người quản lý, tổ chức nguồn lực thông tin ở khối DN vốn chẳng dễ dàng, trong khối quản lý nhà nước lại càng khó. Không hẳn là các tổ chức, DN không thấy tầm quan trọng của thông tin và CNTT, cũng chẳng phải họ không muốn đẩy mạnh sự phát triển. Họ cũng muốn chứ, nhưng có mấy lý do khiến họ ngần ngại.

Một là, họ không thích thay đổi lề lối, kỹ năng làm việc. Hai là, do thiếu kiến thức về CNTT và quy trình quản lý hiện đại, họ không thích thay đổi cấu trúc tổ chức, lo sợ sự thay đổi gây mất an toàn, vượt quá tầm kiểm soát. Ba là, lề lối làm việc và hệ thống quản lý dựa trên cơ sở ứng dụng CNTT thường mang lại sự công khai, minh bạch. Một số người không thích điều này vì... không còn được hưởng “quyền lợi” chỉ xuất hiện trong môi trường thiếu công khai, minh bạch. Bốn là, ở các nước phát triển, trong môi trường cạnh tranh quyết liệt và nhiều biến động, nếu các tổ chức, DN không tận dụng triệt để ưu thế CNTT, không tái cấu trúc trong những thời điểm nhất định, thì sẽ mất sức cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ hoặc đổ vỡ. Còn ở Việt Nam, nhất là trong khối nhà nước, nếu không làm như thế thì cũng không sao (chỉ... trì trệ thôi, và có thể bị quở trách!). Cho nên việc cổ phần hóa DN nhà nước diễn ra thật ề à, cải cách hành chính thì tiến những bước chậm chạp.

Vì sự thay đổi động chạm tới một loạt vấn đề như trên, nên ông Bùi Quang Ngọc, phó tổng giám đốc công ty FPT, một trong 10 CIO được giải, xác định rõ: CIO phải là người trong ban lãnh đạo của tổ chức, DN. Ngược lại, cũng chính vì sự “động chạm” như thế, mà các tổ chức, DN không mấy sẵn sàng dành cho người quản lý, hoạch định nguồn lực thông tin một “ghế” lãnh đạo. Đó là một vị trí “nhạy cảm”!

Thế nhưng, tại sao có những người không phải là lãnh đạo cấp cao của tổ chức, đơn vị vẫn được trao giải CIO? Chẳng hạn, trong 10 CIO đoạt giải, có 2 gương mặt rất đáng chú ý là ông Phạm Văn Thuận, cục trưởng Cục Tin học và Thống kê, Bộ Tài chính và ông Tạ Quang Tiến, cục trưởng Cục Tin học Công nghệ Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo ban tổ chức, hai nhân vật này có những thành tích đặc biệt và rất xứng đáng nhận giải. Họ đã làm cách nào để bù đắp cái thiệt thòi không nằm trong ban lãnh đạo?

Đó là khả năng thuyết phục - TS Mai Anh, thành viên ban giám khảo cuộc bình chọn - lý giải như vậy. Ông Mai Anh đánh giá cao khả năng thuyết phục của ông Tiến, ông Thuận và cho rằng nếu không thuyết phục được lãnh đạo, hai ông cũng chỉ là người phụ trách CNTT thông thường như bao nhiêu người khác.

Tuy nhiên, khả năng thuyết phục chưa phải là đủ. Trước hết, những lời thuyết phục phải được nghe với thái độ tôn trọng đã. Ông Thuận và ông Tiến tuy không phải là lãnh đạo cấp bộ, nhưng hằng ngày thường xuyên gần gũi, làm việc với lãnh đạo bộ, được lãnh đạo bộ lắng nghe. Không phải giám đốc CNTT nào cũng có điều kiện như thế, khả năng quan hệ tốt như thế. Và kể cả có điều kiện như thế thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được. Cho nên ông Tạ Quang Tiến bổ sung là CIO phải kiên trì, bền chí, vì nhiều khi ý tưởng đưa ra không được ủng hộ, dù đã trổ tài thuyết phục. Ông Phạm Văn Thuận thì tâm niệm “Vạn biến như lôi nhất tâm thiền định” - một triết lý mang hơi hướng Phật giáo. Ông đã bị hiểu nhầm ít nhất một lần, và kinh nghiệm mách ông rằng nếu không rèn tâm như thế thì khó đạt được mục đích của mình, cũng chính là mục đích của tổ chức.

Các giám đốc CNTT khác có thể làm theo ông Tiến và ông Thuận không? Không dễ! Vì họ có xu hướng phải vượt quá thẩm quyền được giao. Mà chuyện đó thì nhiều vị lãnh đạo và các bộ phận khác trong đơn vị không thích lắm.

Cho nên, mặc dù hội nghị CIO lần này có chủ đề “thay đổi là tất yếu”, nhưng phải chờ xem bao giờ sự tất yếu ấy xảy ra.

Nguyễn Hưng
Nguồn: Thế giới vi tính số 07/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).