Khí thải xe cơ giới tấn công người dân
Theo lộ trình của đề đề án kiểm soát khí thải xe máy, sẽ có khoảng 80 - 90% xe máy (chủ yếu là xe cũ) tại hai thành phố thí điểm là TP.HCM và Hà Nội sẽ được kiểm định khí thải đến năm 2015. Cho đến nay, tác động của khí xả xe cơ giới, kèm theo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang được cảnh báo nghiêm túc, với tỉ lệ khảo sát lên đến 24/37 triệu xe máy đang trở thành nguồn phát thải chính gây ô nhiễm tại các đô thị. Liên quan đến thực trạng trên, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (Ủy ban MTTQ TP.HCM).
* Thưa ông, là tiến sĩ động cơ đốt trong và Phó Giáo sư về cơ khí động lực, ông đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn tại Việt Nam hiện nay ở mức độ nào?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 nước ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Dù vậy, đến bây giờ cả trong nghiên cứu, lẫn dư luận xã hội dường như chưa được quan tâm cũng như nhận thức đúng mức. Chính đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng đã cảnh báo, gần như 100% đô thị lớn của nước ta hiện đang bị ô nhiễm bụi. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng chủ yếu từ giao thông do 100% xe máy chưa được kiểm soát nguồn thải. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần cảnh báo, những hạt bụi nhỏ liti (PM2.5) lơ lửng trong không khí có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ung thư và nhiều bệnh về đường hô hấp.
Khảo sát điểm tại TP.HCM thì các nhà khoa học đã báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ các chất độc hại trong không khí như: benzene, nitơ oxit… Nồng độ bụi đặc trưng PM10 có nơi đạt tới 80 microgam /m3 trong khi nồng độ cho phép nhỏ hơn con số này nhiều lần. Nồng độ SO2 lên đến 30 microgam/m3, nồng độ benzene có nơi đạt 35-40 microgam/m3. Và hàng năm, tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2; 61.000 tấn CO; 35.000 tấn NO2; 12.000 tấn SO2 và hơn 22.000 tấn CmHn. Nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt quá mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2-3 lần.
Đó là chưa kể, lượng khí thải, bụi… gây ô nhiễm đang tăng lên hàng năm cùng với sự phát triển về số lượng các phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể, nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,5 lần.
* Vậy theo ông, bất cập chính dẫn đến sự "thờ ơ” trong công tác quản lý là nằm ở khâu nào?
- Tôi cho rằng, việc quản lý chất lượng không khí vẫn đang là việc "cha chung không ai khóc”. Sự quản lý lại tồn tại sự chồng chéo giữa các bộ ngành, được thể hiện rất rõ: Chính phủ giao Bộ TN&MT thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có không khí, nhưng rốt cục lại giao cho Bộ GT-VT kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị. Khâu này rất quan trọng, bởi vì công cụ kiểm soát ô nhiễm không khí là các trạm quan trắc do vừa yếu lại vừa thiếu, đã không cập nhật kịp thời và đầy đủ số liệu về chất lượng không khí tại Hà Nội, TPHCM…, nên cũng không thể có khả năng công khai thông tin các trường hợp phát thải vượt mức chỉ tiêu cho phép được quy định trong Luật Môi trường cho người dân biết.
* Được biết gần đây, chúng ta có triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí? Nghĩa là chúng ta đã nhận ra những hệ quả từ ô nhiễm khí thải đối với môi trường?
-Đúng là từ năm 2013, Tổng cục Môi trường đã triển khai xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, với sự hỗ trợ từ "Mạng lưới không khí sạch Việt Nam”. Theo lộ trình thì dự kiến cuối năm nay, Tổng cục Môi trường sẽ trình Bộ TN-MT dự thảo kế hoạch để đưa vào chương trình xây dựng văn bản và trình Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Vấn đề trọng tâm giờ đây là cần xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại các thành phố lớn, khu công nghiệp để giám sát, phát hiện ô nhiễm không khí hoặc các nguồn khí thải gây ô nhiễm.
* Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, ông có đề xuất gì không?
- Tôi cho rằng, việc hạn chế CO2 trong khí thải động cơ xe cơ giới thải ra trong xu hướng phát triển kỹ thuật ô tô hiện thời là không thể. Bởi vì, quá trình cháy nhiên liệu trong động cơ càng hoàn hảo, lượng CO2 hình thành trong sản phẩm cháy càng nhiều. Đó là quy luật bất khả kháng. Người ta chỉ có thể làm giảm lượng CO2 trong bầu không khí do khí thải của xe cơ giới và các ngành công nghiệp liên quan bằng cách tăng diện tích thảm thực vật hoặc thu hồi CO2 trong không khí để biến chúng thành nhiên liệu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng nhiên liệu sinh học và hạn chế bớt lượng xe máy trong thành phố.
*Xin trân trọng cảm ơn ông!
LÊ ANH