Khi “bộ lọc” bị lao
Tổn thương lao ở hệ tiết niệu có thể riêng biệt từng phần nhưng cũng có thể xuất hiện ở toàn bộ hệ thống; bắt đầu từ lao thận, vi khuẩn lao đi xuôi dòng nước tiểu gây tổn thương các phần khác. Tuy nhiên, vi khuẩn lao cũng có thể đến từ bộ phận khác bằng đường máu hay bạch huyết. Khi bị bệnh, tổn thương lao có thể thấy ở hầu hết các phần của bộ lọc là: thâm nhiễm, loét, hang, nốt u, sùi, xơ hóa.
Người bệnh bị lao tiết niệu có các triệu chứng sau:
Lao thận: Đau ngang lưng hoặc đau vùng hố thận, đái ra máu, ra mủ.
Lao bàng quang: Chiếm tới 60-70% lao tiết niệu, biểu hiện là đái rắt, đái buốt, đái nhiều về đêm. Nước tiểu có máu hoặc mủ.
Lao niệu quản: Thường là ở giai đoạn muộn, niệu quản nơi tổn thương hẹp lại làm gián đoạn ở trên và ứ nước tiểu gây đau. Nhiều khi có cơn đau quặn thận dễ nhầm với sỏi. Lao niệu quản ít gặp nhưng có thể gây triệu chứng khó đái và không đái được khi niệu quản hẹp, nên dễ nhầm lẫn với bệnh lậu mạn tính và bệnh ở tuyến tiền liệt.
Để chẩn đoán lao tiết niệu, việc đầu tiên cần làm là tìm vi khuẩn lao trong nước tiểu. Nhưng không phải ca bệnh nào cũng tìm thấy khuẩn lao. Nhiều trường hợp lúc đầu bác sĩ không nghĩ ngay đến bệnh lao nên thường bắt đầu từ siêu âm xem thận có to không, niệu quản có hẹp không, niêm mạc bàng quang có dày không; sau đó là chụp bộ lọc có cản quang, thậm chí chụp cắt lớp bằng máy điện toán.
Lao tiết niệu có thể nhầm lẫn với viêm đường tiết niệu. Nếu viêm bàng quang lâu ngày, điều trị bằng các kháng sinh không đỡ nên nghĩ đến lao. Bệnh có thể nhầm lẫn với viêm cầu thận, sỏi, bệnh ký sinh trùng (sán máng)...
Việc dùng thuốc chống lao đúng nguyên tắc theo đường toàn thân có thể bảo đảm chữa khỏi các tổn thương loét, nốt, hang ở hệ tiết niệu. Nhưng khi tổn thương đã xơ sẹo, làm tắc đường dẫn hay khi thận chỉ còn là một ổ mủ thì phải xem xét việc phẫu thuật.
Nguồn: vnexpress.net 7/7/2005