Kết quả nuôi thử nghiệm cá lăng chấm thương phẩm tại Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh có địa hình miền núi, trung du và ven biển. Đồi núi chiếm 80% đất đai, tuy không cao nhưng trùng điệp, hiểm trở, chia cắt nhau liên tục, tạo thành nhiều địa hình thung lũng và phân bố khắp trong toàn tỉnh nhưng tập trung nhiều ở các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà và Bình Liêu. Mật độ mạng lưới sông suối ở Quảng Ninh khá dày, hệ thống sông suối ngắn và dốc, nằm trong khu vực có lượng mưa lớn, từ 2.000 đến 2.500 mm, có điều kiện dẫn nước vào các ao hồ nhỏ và tạo thành những dòng chảy phù hợp với việc nuôi cá lăng chấm thương phẩm. Mặt khác Quảng Ninh sẵn có nguồn thức ăn là tôm cá tạp phù hợp với tập tính dinh dưỡng của cá lăng chấm nên việc nghiên cứu nuôi thương phẩm cá lăng chấm với mục đích bổ sung đối tượng nuôi mới, tăng hiệu quả kinh tế góp phần bảo tồn loài cá quý hiếm là việc làm cần thiết có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Chính vì vậy, từ năm 2009 – 2011, Trung tâm KHKT & SX giống thủy sản Quảng Ninh đã được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá lăng chấm Hemibagrus (Lacépefde, 1803) tại Quảng Ninh”.
Đề tài được thực hiện với 2 công thức thức ăn : Thức ăn tôm cá tạp tươi và thức ăn chế biến (thành phần thức ăn gồm : 50% cá tạp, 27% bột cá, 15% đỗ tương, 3,5% bột mỳ, 4,4 % cám gạo, 0,1% Vitamin và khoáng). Mỗi công thức được bố trí nuôi tại 01 ao diện tích 500m 2, 3 lần lặp lại, mật độ thả 1 con/m 2.
Chế độ chăm sóc quản lý : Cho cá ăn 1 ngày 2 lần, lượng thức ăn được điều chỉnh thông qua việc theo dõi khả năng sử dụng thức ăn tại các sàng cho ăn. Trong quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường (nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy hòa tan), tạo dòng chảy nhẹ cung cấp oxy cho cá, vệ sinh sàng cho ăn và lưới ngăn ao để đảm bảo độ thông thoáng, thường xuyên chú trọng công tác phòng bệnh cho cá và xử lý bệnh kịp thời. Định kỳ hàng tháng kéo lưới kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá.
Tốc độ tăng trưởng của cá lăng chấm tương đối chậm trong 2 năm đầu. Năm 2009 – 2010, ao nuôi sử dụng thức ăn cá tạp 100% : tốc độ tăng trưởng trung bình là 29g/con/tháng; ao sử dụng thức ăn chế biến tốc độ tăng trưởng trung bình là 28,2g/con/tháng. Năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng của cá tăng cao hơn so với 2 năm đầu, đạt trung bình 65.5g/con/tháng (đối với ao sử dụng 100% cá tạp) và 54,4 g/con/tháng (đối với ao sử dụng thức ăn chế biến). Sau 30 tháng nuôi, cá lăng chấm tăng trưởng 1,19kg, đạt 1.265,7 kg/con (đối với công thức sử dụng 100% cá tạp); tăng trưởng 1,24kg đạt 1.218,3 kg/con (đối với công thức sử dụng thức ăn chế biến). Hệ số thức ăn tại các công thức lần lượt là 6,8 đối với thức ăn tự chế và 9,6 đối với thức ăn cá tạp thấp hơn so với kế hoạch là 7 đối với thức ăn tự chế và 10 đối với thức ăn cá tạp. Tỷ lệ sống tại 2 công thức đạt 79,5% và 81% đạt kế hoạch đề ra (80%). Phân tích thống kê cho thấy hệ số thức ăn và tốc độ tăng trưởng của cá lăng chấm ở các công thức không có sự sai khác với α = 0.05.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của các công thức, giá thành cá lăng chấm thương phẩm của công thức sử dụng thức ăn cá tạp là 131.000 đ/kg thấp hơn so với công thức sử dụng thức ăn chế biến 133.000 đ/kg. Giá bán cá lăng chấm trung bình 150.000 – 160.000 đ/kg. Mặc dù năng suất cá nuôi tại 2 công thức thí nghiệm không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê nhưng do có ưu thế về kích cỡ cá thu hoạch lớn hơn, giá bán cao hơn nên tỷ suất sinh lời tại công thức cá tạp đạt 20,43% trong khi tại công thức chế biến tỷ suất sinh lời thấp hơn đạt 17,26%.
Đánh giá chung : Nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá lăng chấm tại Quảng Ninh bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Các yếu tố môi trường như PH, hàm lượng oxy hòa tan đều nằm trong khoảng phù hợp với đặc điểm sinh học của cá lăng chấm. Riêng yếu tố nhiệt độ tác động rõ rệt đến tốc độ sinh trưởng của cá. Cá lăng sinh trưởng phát triển nhanh hơn từ tháng 4-10, trong điều kiện nhiệt độ 20 0C – 30 0C, cá sẽ giảm ăn nếu nhiệt độ nước trên 36 0C hoặc dưới 10 0C. Khả năng chịu rét của cá lăng chấm tốt hơn so với cá chim trắng và cá rô phi. Đối với ao nuôi sử dụng thức ăn cá tạp đem lại hiệu quả cao hơn phù hợp nuôi tại những vùng có sẵn nguồn thức ăn tôm cá tạp hoặc có nguồn thức ăn từ nhà máy chế biến thủy sản; Đối với ao nuôi sử dụng thức ăn chế biến tuy có hiệu quả thấp hơn nhưng lại phù hợp cho những vùng không chủ động về nguồn thức ăn tôm cá tạp và hạn chế rủi ro về bệnh dịch. Kết quả nuôi cá lăng chấm tại Quảng Ninh bước đầu đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu đối tượng nuôi cho nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhà.