ICM= “Quản lý cây trồng tổng hợp” - Một hình thức mới trong công tác bảo vệ thực vật
Do đó, những quan điểm trong công tác bảo vệ cây trồng trước đây không còn phù hợp nữa mà cần được thực hiện theo hình thức "Quản lý Cây trồng Tổng hợp" (viết tắt theo chử tiếng Anh là "ICM ": Integrated Crop Management).
Nếu trước đây chúng ta đã có các biện pháp Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM) và Quản lý Dinh dưỡng Tổng hợp (INM) thì hình thức Quản lý Cây trồng Tổng hợp chính là sự kết hợp hài hòa của các biện pháp này, nghĩa là:
ICM = INM + IPM.
Trong đó: Quản lý Dinh dưỡng Tổng hợp gọi tắt là INM (Integrated Nutrient Management) là hình thức quản lý mà chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp cho cây trồng dựa trên cơ sở đặc điểm của môi trường sinh thái (đất, nước, thời tiết khí hậu,...), của tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng (tuỳ theo từng giai đoạn sinh trưởng của từng loại cây), của tình hình dịch hại,.... Tức là, căn cứ vào mối tương quan nhiều mặt của các yếu tố trong hệ sinh thái mà loại cây trồng đang sinh sống.
Ví dụ đối với cây ăn trái là loại cây lâu năm, thời gian khai thác kinh tế kéo dài, nên việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phải được hợp lý không như việc cung cấp cho các loại cây rau màu ngắn ngày cũng như cây lúa.... Để quản lý dinh dưỡng cung cấp cho cây ăn trái, chúng ta nên áp dụng các biện pháp như sau:
- Phân hữu cơ (phân chuồng, phân rác, phân xanh... ): Là những loại phân cơ bản, cần được bón hàng năm từ 5-10 kg/cây đối với cây còn nhỏ chưa cho trái và bón vào thời điểm đầu hoặc cuối mùa mưa, và từ 10-20 kg/cây đối với cây đã cho trái và bón vào lúc sau khi thu hoạch trái xong.
- Phân hóa học: Khi cây còn nhỏ (từ lúc trồng cho đến sắp cho trái), phân hóa học được sử dụng bón cho cây với ý nghĩa bổ sung chất dinh dưỡng từ phân hữu cơ bón cho cây hằng năm và từ trong đất mà cây lấy được, nhằm giúp cây phát triển cân đối giữa các bộ phận thân, cành, lá và bộ rễ. Không nên bỏ mặc cho cây tự phát triển (không bón phân), cũng không nên lạm dụng bón quá nhiều, để cây phát triển hợp lý, có khả năng chống chịu tốt, giúp chúng ta có thể khai thác ổn định sau này.
Đối với các loại cây rau màu thì nhu cầu về dinh dưỡng rất cao, do đây thường là những loại cây ngắn ngày có khả năng cho năng suất cao trong một khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên không vì thế mà phải cung cấp một lượng phân bón quá lớn hoặc bón phân liên tục, nhất là trong khoảng thời gian gần ngày thu hoạch, bởi vì nếu làm như vậy thì không chỉ làm cây phát triển không cân đối, sâu bệnh dễ bộc phát mà còn làm cho dư lượng phân bón (nhất là đối với dạng đạm nitrate) lưu tồn nhiều trong sản phẩm và dễ gây độc cho người tiêu dùng.
Phần cây lúa cũng vậy, tập quán sử dụng phân bón của bà con nông dân ta khá cao (đặc biệt là phân đạm), nên thường làm cho cây lúa phát triển xanh tốt ở thời điểm đầu vụ, nhưng suy yếu hoặc dễ bị sâu bệnh tấn công ở thời điểm cuối vụ, cuối cùng là hiệu quả kinh tế thu được sẽ không cao.
Quản lý Dịch hại Tổng hợp, gọi tắt là IPM (Integrated Pest Management). Từ dịch hại ở đây được hiểu là những tác nhân gây hại cho cây trồng bao gồm như sâu bệnh, cỏ dại, chim, chuột, nhện hại,.v.v... Những loại dịch hại này gây mất ổn định cho sản suất Nông Nghiệp như làm thất thu năng suất cây trồng, giảm phẩm chất nông sản thu được, gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân....
Trước đây, công tác Bảo Vệ Thực Vật (BVTV) là nhầm đối phó với dịch hại và chủ yếu dựa vào thuốc hóa học, với quan điểm không chấp nhận sự hiện diện của các loài dịch hại, tìm mọi cách tiêu diệt hoặc để loại trừ chúng ra khỏi hệ sinh thái.
Thực tế cho thấy, việc lạm dụng thuốc hóa học để khống chế dịch hại trong thời gian qua đã làm phát sinh ra nhiều loài dịch hại mới, làm bộc phát dịch hại mạnh hơn, làm xuất hiện tính kháng thuốc của dịch hại, gây Ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, gây độc cho người, gia súc, cho thiên địch và nhiều loài động vật hoang dã khác... Tóm lại, quan điểm phòng trừ dịch hại như trên là nguyên nhân gây mất ổn định cho nền sản suất Nông Nghiệp của chúng ta.
Từ thực tế đó, đã ra đời quan điểm BVTV bằng cách tổng hợp các biện pháp dựa trên cơ sở sinh thái và môi trường gọi tắt là IPM. Theo quan điểm này thì giữa cây trồng, dịch hại, thiên địch và các yếu tố trong hệ sinh thái (đất, nước, thời tiết, khí hậu, sinh vật...), luôn luôn có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Sự phát sinh phát triển của yếu tố này sẽ là tác nhân thúc đẩy hoặc kiềm hãm yếu tố khác.
Biểu diễn mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp:
Như vậy, với quan điểm BVTV bằng IPM hiện nay, thì đối tượng chủ yếu là các yếu tố trong hệ sinh thái Nông Nghiệp, tức là giải quyết mối quan hệ giữa các yếu tố nầy, sao cho đạt được năng suất cây trồng cao nhất, giữ được cân bằng sinh học (cân bằng giữa thiên địch và dịch hại), ổn định được môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả của biện pháp tác động, được đánh giá ở hiệu quả kinh tế cuối vụ ở sự ổn định của môi trường, ở sự cân bằng sinh học và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng...
Với quan điểm IPM, thì mọi biện pháp (kể cả biện pháp dùng thuốc hóa học) đều có thể được xem xét áp dụng, nhưng phải phù hợp với yếu tố môi trường, và đều nhằm tới ý nghĩa là gây chết tự nhiên cho dịch hại, cũng như nhằm quản lý, kiểm soát mật số dịch hại trong hệ sinh thái, ngăn không cho mật số dịch hại vượt quá mức gây hại kinh tế (là mật độ dịch hại đủ gây ra thiệt hại về kinh tế lớn hơn chi phí phòng trừ). Ngưỡng kinh tế (hay ngưỡng phòng trừ: là mật số dịch hại mà ở đó cần phải áp dụng biện pháp phòng trừ để ngăn không cho mật số dịch hại đạt đến mức gây hại kinh tế) thường được sử dụng trong IPM.
Hiện nay, tại tỉnh ta ngành BVTV đang triển khai chương trình Quản lý Dinh dưỡng và Dịch hại Tổng hợp (có nơi còn gọi là chương trình 3 giảm 3 tăng), đây cũng chính là sự phối hợp của Quản lý Dinh dưỡng Tổng hợp (INM) và Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM) trên cây lúa, hay nói đúng hơn cũng có thể gọi đây là chương trình ICM trên cây lúa cho nó vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu cho mọi người.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hình thức triển khai chương trình này như thế nào cho phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân, để làm sao vừa ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao nhất cho nông dân và xã hội nói chung
Nguồn: Bản tin Nông nghiệp và Nông thôn Vĩnh Long, số 25, 10/2003