Hướng đi nào cho khoa học - công nghệ ở Việt Nam?
Đầu tư cho khoa học - công nghệ ở Việt Nam rất “rẻ”
Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 viện nghiên cứu quốc tế, hơn 400 trung tâm nghiên cứu quốc gia, hơn 1000 viện nghiên cứu, trung tâm của tư nhân, 62.000 người làm khoa học chuyên nghiệp, hàng vạn người làm khoa học không chuyên nghiệp (như giáo viên, bác sĩ, kỹ sư ở các nhà máy…). Trong năm 2014, với đội ngũ hàng chục nghìn tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư…, tổng kinh phí của cả Nhà nước và tư nhân dành cho khoa học - công nghệ (KHCN) khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD) là còn rất ít, như muối bỏ biển.
Chúng ta nói là dành 2% tổng ngân sách cho KHCN nhưng thực chất kinh phí đầu tư triển khai chỉ khoảng 10% của con số đó vì gần như 90% của con số là chi thường xuyên và chi mua sắm trang thiết bị, trả lương, sửa chữa nhà cửa…, còn lại khoảng 10% đầu tư nghiên cứu cho cho cấp nhà nước hoặc cấp bộ, tỉnh, cơ sở.
Như vậy, một năm chúng ta chỉ có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, chia ra mỗi viện nghiên cứu được vài tỷ đồng tiền ngân sách, mỗi đầu nhà khoa học nghiên cứu được vài chục triệu đồng, như thế là quá thấp.
Đầu tư nghiên cứu KHCN có ba đặc trưng quan trọng là “tính mạo hiểm”, “tính trễ” và “tính tới ngưỡng”. Tính mạo hiểm: đầu tư mười nhưng có khi chỉ được một. Tính trễ: nhiều khi nghiên cứu hôm nay nhưng vài chục năm sau người ta mới dùng đến nó hoặc tìm ra cách ứng dụng nó. Tới ngưỡng: nếu đầu tư không đủ thì sẽ không bao giờ cho ra một kết quả hoàn chỉnh.
Nếu không được quy định cứng trong luật, thường người ta rất ít quan tâm lĩnh vực KHCN vì nó không đưa tới hiệu quả ngay như việc làm đường, làm cầu, hay đầu tư cho y tế, tài chính, ngân hàng… Vì vậy, Luật KHCN năm 2013 lần đầu thông qua con số 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ.
2% ngân sách quốc gia chi cho lĩnh vực KHCN năm 2015 tương đương khoảng một tỷ USD. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng dành ngân sách cho khoa học - công nghệ tương đương tỷ lệ Việt Nam, nhưng vì GDP lớn, tổng ngân sách lớn, số tiền đầu tư cho khoa học - công nghệ trở nên rất lớn. Thí dụ, ở Hàn Quốc, GDP khoảng 1.000 tỷ USD, nên nếu dành cho khoa học khoảng 2%, họ đã có tới hàng chục tỷ USD chỉ từ ngân sách nhà nước.
Hơn thế nữa, tiền đầu tư cho khoa học - công nghệ của Hàn Quốc không chỉ từ ngân sách, họ chủ yếu huy động từ xã hội và đặc biệt là doanh nghiệp, số tiền có thể gấp tới 10 lần ngân sách nhà nước. Các tập đoàn lớn của Mỹ và Nhật Bản cũng tương tự như vậy, dành ra 1-2 tỷ USD không phải là chuyện lạ.
Thực tế, ngân sách KHCN của chúng ta cũng chưa bao giờ đạt đủ 2% GDP, trong 10 năm qua, năm cao nhất chỉ đạt 1,6%. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, năm 2014 là năm thấp kỷ lục của ngân sách cho KH-CN, chỉ đạt hơn 1,3%. Trong năm nay, Bộ KHCN kiên trì thuyết phục Quốc hội và các bộ, ban, ngành liên quan.
Cuối cùng con số mới được thống nhất nhích lên 1,52% trong năm 2015. Với mức chi như vậy thì đầu tư cho KHCN tính trên đầu người vẫn thấp. Nguồn kinh phí cho KHCN của Việt Nam, nếu tính theo đầu người (12-13 USD/ người), thuộc diện thấp nhất thế giới, thấp hơn cả một số nước trong khu vực như Philippines hay Indonesia. Nếu mở rộng phạm vi ra so sánh với Hàn Quốc, chúng ta chỉ bằng 1/200 so với họ.
Hiệu quả đầu tư cho khoa học - công nghệ?
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, năm 2014, ngành KHCN đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu trên các lĩnh vực: cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế và tôn vinh các nhà khoa học. Có thể điểm qua một số sự kiện nổi bật như: một loạt nghị định, thông tư được ban hành để đưa nhanh Luật Khoa học và Công nghệ vào đời sống.
Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5) và Tuần lễ truyền thông Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Khoa học và Công nghệ - Động lực phát triển nhanh và bền vững”; tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông - Nam Á - hợp tác để phát triển”; sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ; sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công vaccine Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em, qua đó trở thành quốc gia thứ hai của châu Á, nước thứ tư trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công loại vaccine này; ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện trung ương Huế; ký Hiệp định hợp tác Việt Nam - Mỹ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân; Giáo sư Châu Văn Minh được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Belarus; ba nhà khoa học Việt Nam được Thomson Reuters tôn vinh là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014…
Hiện tại cả nước có khoảng 14.000 tiến sĩ KHCN, trong đó có một phần tư làm kỹ thuật. Những người thật sự làm khoa học chưa đến 10.000 người, trong đó chỉ có một phần tư có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm được quốc tế thừa nhận. Năm 2014 chúng ta có 2.000 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế. Người Việt Nam tính về sự cần cù và thông minh đều không thua kém bất cứ dân tộc nào, đi khắp nơi chúng ta đều nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế.
Hằng năm, Việt Nam trung bình sản sinh ra 100 bằng sáng chế. Đây là một con số khiêm tốn tính trên hơn 10 triệu bằng sáng chế của thế giới. Nhưng đã là những nỗ lực đáng được ghi nhận vì làm ra hơn 10 triệu cái mới không hề đơn giản. Đã là sáng chế là phải mới trên thế giới, dù là với kinh phí thấp thì vẫn phải mới và có tính ứng dụng. Bằng sáng chế dù ở nước nào cũng có giá trị như nhau vì được thẩm định trên toàn thế giới. Có thể thí dụ như ở các nước khác tính trung bình cần 1 triệu USD cho một bằng sáng chế, nhưng ở Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học mới chỉ lấy sự đam mê bù đắp cho sự khó khăn về tài chính.
Dù trong hoàn cảnh nào, không ai có thể phủ nhận được những hiệu quả do KHCN mang lại. Một thí dụ điển hình, giàn khoan tự nâng 90 m nước do chúng ta tự chế trong thời gian gần đây giúp tiết kiệm được hơn 20 triệu USD; nhà máy bóng đèn Rạng Đông riêng tiền thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước có thể bằng tổng thuế của hai tỉnh miền núi cộng lại. Các địa phương có nhà máy của các tập đoàn lớn thì tiền thu ngân sách có thể tăng lên đột biến… KHCN phát triển sẽ dẫn tới sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác.
Hướng đi nào cho khoa học - công nghệ ở Việt Nam?
Việc đầu tư cho khoa học phải có ngưỡng, chưa tới ngưỡng ấy đầu tư sẽ không có hiệu quả. Hiện nay số tiền đầu tư cho KHCN ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Để khắc phục được khó khăn trên chúng ta phải làm sao huy động được doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư cho KHCN.
Trong ba năm qua, đã có những điểm sáng như: Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã dành 10% lợi nhuận trước thuế cho lĩnh vực nghiên cứu KHCN (khoảng 100 triệu USD thời điểm năm 2013), tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thành lập một viện nghiên cứu riêng, đồng thời tích cực tìm kiếm tài năng trong cả nước về làm việc cho viện (hơn 500 người từ khắp nơi trong cả nước).
Việc này lập tức phát huy hiệu quả khi hai năm qua, họ cho ra mắt nhiều sản phẩm giá trị, thí dụ máy thông tin cho bộ binh hay radar biển có giá thành rẻ hơn nhập ngoại rất nhiều; Tập đoàn Dầu khí quốc gia trong năm 2013 có tổng mức đầu tư cho KHCN hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương Tập đoàn Viettel. Nếu 110 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng chung tay thì chắc chắn chúng ta sẽ có nguồn kinh phí rất lớn cho KHCN, không thua kém và thậm chí gấp vài lần ngân sách nhà nước.
(Ảnh minh họa). |
Việc đầu tư này đòi hỏi một tầm nhìn xa trông rộng của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Vì khi đầu tư cho KHCN phải chấp nhận tính mạo hiểm, tính trễ nên rất có thể sẽ gặp nhiều thất bại. Từ đó họ có thể gặp rất nhiều áp lực lớn từ cổ đông hay công ty. Nhưng đây là một hướng đi đúng vì bất kỳ một tập đoàn lớn nào trên thế giới cũng đều rất coi trọng KHCN. Nghị định 95 năm 2014 (vừa được áp dụng tháng 11-2014) quy định sàn tối thiểu các doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư 3% lợi nhuận trước thuế cho khoa học - công nghệ.
Còn Luật Thuế trước đó đã quy định trần tối đa các doanh nghiệp có thể đầu tư cho KHCN là 10% và các doanh nghiệp không phải của nhà nước thì nhà nước cũng không bắt buộc được, đây là quyền tự do của doanh nghiệp, nhà nước khuyến khích làm như doanh nghiệp nhà nước, cố gắng dành một phần lợi nhuận để đầu tư cho khoa học. Vấn đề đầu tư cũng hướng vào mục tiêu đầu tiên chính là đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp ấy.
Năm 2013, Bộ KHCN đã khởi động một dự án thí điểm về quỹ đầu tư mạo hiểm, dự án thương mại hóa khoa học - công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon. Ban đầu, chúng tôi sử dụng một phần kinh phí sự nghiệp khoa học để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu để tạo lập một quỹ đầu tư mạo hiểm. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức cấp phép cho quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động, toàn bộ vốn đầu tư là từ doanh nghiệp (luật vẫn chưa cho phép dùng vốn nhà nước để đầu tư mạo hiểm).
Chúng tôi hỗ trợ cho quỹ thông qua việc hình thành nghiên cứu, mời các chuyên gia giỏi từ nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm để tư vấn và đào tạo các nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên để tham gia hấp thụ nguồn tài trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Năm 2014, chúng tôi đã giới thiệu chín nhóm nghiên cứu đã có những sản phẩm tốt, bước đầu đã thành công và họ cần những nhà đầu tư để thương mại hóa trở thành sản phẩm công nghệ.
Đến nay đã có một số nhóm tìm được nhà đầu tư. Đây là một trong những hướng đi mới của KHCN Việt Nam. Trong một vài năm tới chúng ta sẽ sớm được nhìn thấy những hiệu quả từ những tiền đề đã bắt đầu từ vài năm nay.