Hợp tác quốc tế trong tiến trình phát triển Liên hiệp hội
2005 là năm toàn hệ thống Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế sôi động, từ tham dự các hội nghị quốc tế đến tiếp xúc và hợp tác với nhiều đối tác lớn (UNDP, WB). 2005 cũng là năm đầu tiên Liên hiệp hội thu hút được 3,1 triệu USD với 14 dự án được phê duyệt so với 2,1 triệu USD năm 2004, tăng 48%. Tuy nhiên nếu so với tiềm lực của Liên hiệp hội con số trên còn nhỏ và để có những kết quả khả quan hơn thì hoạt động hợp tác quốc tế của toàn hệ thống còn phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Kết quả chưa xứng với tiềm năng
TS Nguyễn Mạnh Cường (Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế của Liên hiệp hội), cho biết phần lớn số tiền viện trợ nước ngoài là do các tổ chức trực thuộc Liên hiệp hội vận động để thực hiện các dự án về xoá đói, giảm nghèo và phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nâng cao năng lực. Những đối tác chính là các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ quốc tế (ICCO, FORD, CARE, OXFAM...). Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng số tiền viện trợ mà toàn hệ thống thu hút được là 8 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam.
Theo ông Cường, nguyên nhân là do Liên hiệp hội, các hội thành viên và đơn vị trực thuộc chưa khai thác được những thông tin cần thiết về nhà tài trợ và các dự án, chương trình họ dự định triển khai ở Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ chưa cao, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) còn hạn chế. Nhiều tổ chức thiếu năng động trong vận động các nguồn viện trợ, hoạt động còn manh mún chưa biết liên kết lại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm.
Năm 2006 này, các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam số tiền lớn nhất từ trước tới nay: trên 3,7 tỷ USD. Riêng tổ chức AP (Mỹ) trong năm 2005 đã giải ngân 33 triệu USD và dự định tài trợ cho Việt Nam 45 triệu USD năm 2006. Vấn đề đặt ra cho các tổ chức thuộc Liên hiệp hội là làm sao thu hút được nhiều và quản lý tốt các nguồn viện trợ nước ngoài.
Liên kết để vận động viện trợ
Liên kết để thực hiện một chương trình hay một dự án không phải là vấn đề mới trong hệ thống Liên hiệp hội. Hơn thế, liên kết đã trở thành một đặc trưng của hệ thống. Liên hiệp hội với vai trò là tổ chức đa ngành, liên ngành, đã tập hợp các thành viên của mình để tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều chương trình, dự án lớn của Nhà nước (thuỷ điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Rừng quốc gia Cúc Phương...) hay thực hiện những dự án có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế (dự án nâng cao năng lực trong xoá đói, giảm nghèo do ICCO tài trợ, mạng lưới nghiên cứu đánh giá chính sách của OXFAM...). Tuy nhiên, đến nay, liên kết trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là để vận động viện trợ còn hạn chế.
Theo ông Cường, xây dựng các mạng lưới là xu thế của hoạt động hợp tác quốc tế hiện nay. Bởi vì, ngoài một số ít tổ chức có năng lực trong vận động viện trợ như TEW, CIRD, COHED, RTCCD, CEPHAD..., nhiều tổ chức thuộc Liên hiệp hội còn khá trẻ cả về tuổi đời cũng như năng lực và kinh nghiệm hoạt động. Tham gia mạng lưới, những tổ chức này không chỉ được nâng cao năng lực mà còn có cơ hội tiếp xúc với các đối tác nước ngoài. Bà Bích Vân (Giám đốc CEPHAD, một đơn vị mới thành lập) cho rằng nên có mạng lưới. Theo bà, có thể thí điểm làm một vài mạng lưới nhỏ các tổ chức có chung lĩnh vực hoạt động. Còn theo ông Lê Bạch Dương (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội), mạng phải linh hoạt, biến thiên, có thể xuất hiện khi có nhu cầu của các thành viên rồi tan biến khi nhu cầu này được giải quyết hoặc tiếp tục tồn tại nếu phát sinh nhu cầu khác.
Việc hình thành mạng có thể xuất phát từ những chương trình ưu tiên của Liên hiệp hội hoặc do một nhóm các tổ chức đề xuất. Theo ông Hoàng Ngọc Giao, Liên hiệp hội nên đóng vai trò đầu mối, nêu định hướng hoạt động theo lĩnh vực, lựa chọn tổ chức làm đầu tàu của mạng lưới. Còn ông Dương cho rằng mạng phải do các nhóm (tổ chức) tự xây dựng, Liên hiệp hội chỉ đóng vai trò bảo trợ về pháp lý. Bà Đào Mai Hoa (Giám đốc Trung tâm COHED) cho rằng Liên hiệp hội cần có một chiến lược chung về hợp tác quốc tế trong đó xác định những vấn đề ưu tiên, các nhà tài trợ tiềm năng... rồi lập kế hoạch thực hiện. Theo bà Hoa, cần lập một nhóm vận động viện trợ gồm những chuyên gia đa ngành, am hiểu các nền văn hoá, giỏi ngoại ngữ. Một số tổ chức đề nghị Liên hiệp hội hỗ trợ để tham gia vào các mạng lưới quốc tế.
Tuy còn một số băn khoăn về việc xây dựng các mạng lưới nhưng đa số các tổ chức đều cho rằng quảng bá hình ảnh của Liên hiệp hội là công việc thiết yếu hiện nay. Theo đó, Liên hiệp hội có thể giới thiệu về mình qua xuất bản các ấn phẩm, trang web vusta.org.vn hay tổ chức những kỳ họp với các nhà tài trợ.
Ông Cường cho biết sắp tới bên cạnh việc duy trì tốt sự hợp tác với các nhà tài trợ hiện có, Liên hiệp hội sẽ xây dựng mối quan hệ với các nhà tài trợ lớn và chiến lược như UNDP, WB, ADB, DANIDA... để thu hút nhiều dự án hơn. Các hoạt động cụ thể sẽ diễn ra trong năm 2006 là: Tập huấn về vận động và quản trị các dự án phát triển; Xây dựng cơ sở dữ liệu về hợp tác quốc tế trên website của Liên hiệp hội; Xuất bản ấn phẩm (bằng tiếng Anh) về Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên; Tổ chức gặp gỡ và hợp tác với trí thức Việt kiều; Tổ chức hội nghị Đông - Tây bàn về các vấn đề phát triển;...
Để phát triển mạnh hơn, Liên hiệphội rất cần đa dạng hoá các nguồn lực, trong đó viện trợ nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Hoạt động Hội cũng cần được chuyên nghiệp hoá đề bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó, đẩymạnh hợp tác quốc tế trở thành đòi hỏi bức thiết đối với toàn hệ thống Liên hiệp hội, không chỉ nhằm tranh thủ viện trợ nước ngoài mà còn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.