HỘI THẢO TRI THỨC VỚI SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ, do điểm xuất phát của kinh tế - xã hội đất nước ta thấp, với nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lại trải qua thời chiến tranh dài nên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chậm và gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí tuệ cao, với tư cách là những người sáng tạo ra tri thức mới, là lực lượng xung kích, tiên phong từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với gần 10 tham luận của các đại biểu, hội thảo đã đánh giá nhiều hoạt động của trí thức trong những năm qua,đặc biệt làm rõ: Thực trạng vai trò đội ngũ trí thức ở các tỉnh miền núi phía bắc; đoàn kết đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ trương, cơ chế, chính sách tạo môi trường, điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức;
Đánh giá về thực trạng, bài học kinh nghiệm và giải pháp phát huy vai trò đội ngũ trí thức các tỉnh miền núi phía Bắc, điển hình là tỉnh Yên Bái, chia sẻ quan điểm tại hội thảo, Giáo sư, viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết:
“Yên Bái là một tỉnh miền núi đội ngũ trí thức Yên Bái có nhiều đóng góp to lớn với sự phát triển của tỉnh và trên rất nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường. Khó khăn hiện nay đối với đội ngũ trí thức Yên Bái là vấn đề đào tạo đội đội ngũ trí thức để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh. Liên hiệp hội và các cơ quan chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong tỉnh phải quan tâm nhiều hơn đến đổi mới hệ thống giáo dục từ phổ thông đến học đại học để đào tạo được cán bộ những trí thức có đủ trình độ để đáp yêu cầu của đất nước, tăng cường cơ chế chính sách để phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ,nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời đối với đóng góp của anh chị em trí thức khoa học và công nghệ”.
Kinh nghiệm của các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc cho thấy, để phát huy vai trò của đội ngũ khoa học kỹ thuật và công nghệ, trước hết Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật của tỉnh cần có những giải pháp tuyên truyền phổ biến kiến thức để chính đội ngũ trí thức hiểu rõ về trách nhiệm và vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở địa phương. Ông Trần Đình Yến, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La cho biết:
“Yên Bái và Sơn La là 2 tỉnh miền núi có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tương đối đông đảo tuy nhiên để khai thác được đội ngũ này phải khảo sát điều tra, tìm hiểu thực trạng tâm tư nguyện vọng và hoạt động lao động, sang tạo của đội ngũ này, phải chủ động đào tạo họ, bồi dưỡng họ, thuyết phục các nhà lãnh đạo có những chủ chương, định hướng lãnh đạo đúng có cơ chế chính sách để đào tạo bồi dưỡng, quan tâm đến quyền và lợi ích của họ”.
Một vấn đề khác được đề cập tại hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu và là mối quan tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái, là tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ tri thức. Trong đó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc nhờ chú trọng công tác tham mưu đề xuất và mở rộng hình thức tập hợp, lấy ý kiến trí thức đã làm rất tốt chức năng phản biện và giám định xã hội vào các dự thảo kinh tế xã hội và các dự án ở địa phương. Chia sẻ kinh nghiệm này với tỉnh Yên Bái, Ông Vũ Tấn Phú, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang nói:
“Để làm tốt công tác tư vấn phản biện thì LHH Bắc Giang có một số kinh nghiệm
Thứ nhất: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành được quy định về công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của LHH. Bắc Giang là 1 trong số ít tỉnh thành tham mưu sớm được nội dung này, trong quy định của LHH Bắc Giang thì quy định nội dung bắt buộc phải tư vấn phản biện, cơ quan có thẩm quyền chỉ phê duyệt khi có tư vấn phản biện của LHH, có các cơ chế chính sách và trách nhiệm các cấp các ngành tham gia.
Thứ hai: Chủ động tham mưu đề xuất tư vấn phản biện để giao cho LHH”
Những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo của các địa phương tham gia hội thảo, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của tri thức khoa học, công nghệ. Với một tỉnh miền núi như tỉnh Yên Bái việc tham gia và tổ chức những hội thảo như thế này sẽ là cơ hội để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái giao lưu và học hỏi. Tổng kết hội thảo, Ông Hoàng Thương Lượng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái cho biết:
“Trong hội thảo có nhiều tham luận và đặt ra vấn đề quan trọng cho đội ngũ trí thức có thể nói rằng hoạt động của đội ngũ trí thức đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết quả của hội thảo đưa ra được vấn đề trong đó đặc biệt quan tâm cụ thể hóa nghị quyết Trung ương trong quán triệt thực hiện nghị quyết. Với trách nhiệm của Liên hiệp Hội của các tỉnh là tổ chức chính trị xã hội của dân trí thức phải thực hiện tốt được vai trò của mình trong việc tập hợp đoàn kết và tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo địa phương địa phương trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức”.
Hội thảo trí thức với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã củng cố tiếng nói chung của trí thức khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, định hướng cho giải pháp tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 27 năm 2008 của Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Một số hình ảnh hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo