Hội thảo Khoa học Góp ý dự thảo nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp
Tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xác đáng từ những kinh nghiệm hoạt động lâu năm của mình để giúp Ban Soạn thảo có được cái nhìn đa chiều hơn về nội dung của Nghị định. Theo các chuyên gia, đánh giá sự phù hợp và công nhận năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp là hai loại hình hoạt động khác nhau, nhưng rất gắn bó với nhau. Cả hai loại hình hoạt động này đều được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cùng nhiều văn bản dưới luật khác. Tuy nhiên, các luật và nghị định này chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp, và cả tổ chức và hoạt động của Tổ chức công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Các vấn đề cụ thể về hai loại hình tổ chức và hoạt động của hai loại hình tổ chức này được quy định tại nhiều văn bản cấp Bộ khác nhau, vì vậy để đảm bảo việc triển khai Luật Đầu tư 2014 và nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá sự phù hợp và hoạt động công nhận trong tình hình mới, việc ban hành Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và dịch vụ công nhận là cần thiết.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn chưa khắc phục được các nhược điểm đang tồn tại trong các văn bản hiện hành. Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, có nguy cơ làm cho bộ máy quản lý nhà nước tăng đột biến mà vẫn không thể nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Điểm đáng lưu ý là Dự thảo Nghị định chưa xác định rõ vai trò, vị trí đích thực của hoạt động công nhận trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với cách tiếp cận mang tính phổ biến của thế giới hiện nay và thực tiễn diễn ra trong nước thời gian qua, chúng ta cần có quy định rõ ràng về hoạt động công nhận- một trong những cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một đất nước, nhằm nâng cao chất lượng, vị thế và vai trò của hoạt động này; làm cho hoạt động công nhận góp phần nâng cao năng lực, sự tin cậy cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp; cũng như gắn bó chặt chẽ và phục vụ đắc lực hoạt động quản lý nhà nước,và góp phần phục vụ thương mại quốc tế, hội nhập của đất nước.
Vì vậy, theo các chuyên gia cần coi dịch vụ công nhận là dịch vụ công; Lựa chọn dứt điểm mô hình tổ chức công nhận, đồng thời với việc lựa chọn dứt điểm mô hình tổ chức công nhận, chúng ta cần sớm kiện toàn bộ máy, phương thức, biện pháp cũng như công cụ pháp lý phục vụ quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận; bảo đảm mọi hoạt động công nhận cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận gắn liền với yêu cầu vừa phục vụ quản lý của các Bộ, ngành, vừa phục vụ đắc lực cho thuận lợi hóa thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức công nhận, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế về công nhận để phục vụ tốt hơn cho nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động thương mại trên thị trường quốc gia cũng như quốc tế. Đồng thời cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng như công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt liên quan, tránh làm bộ máy cơ quan quản lý thêm nặng nề. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng – đơn vị chủ trì việc soạn thảo đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đồng thời cảm ơn Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chọn lọc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.