Hội hành nghề y tư nhân: Tại sao không?
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới có hệ thống dịch vụ y tế tư nhân. Cùng với việc giúp giảm tải cho y tế công, y tế tư nhân còn tham gia phòng và cung cấp các dịch vụ công cộng cho cộng đồng.
Ở Việt Nam, dịch vụ y tế tư nhân được phép hoạt động từ năm 1989. Chỉ sau một thời gian ngắn, loại hình dịch vụ này đã phát triển nhanh chóng trên cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Năm 1993, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, điều kiện pháp lý quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các cơ sở dịch vụ y tế tư nhân.
Qua điều tra tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, lĩnh vực dịch vụ y tế tư nhân chiếm tỉ lệ cao là phòng khám nội, phòng khám sản phụ khoa - kế hoạch hoá gia đình. Cơ sở hạ tầng của các cơ sở tương đối tốt với trên 80% là nhà cấp 2, cấp 3. Tuy nhiên, số người làm việc ở các cơ sở này khá nhỏ lẻ và chủ yếu công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Về chất lượng điều trị bệnh của các cơ sở y tế tư nhân, có tới 93% số người sử dụng dịch vụ được hỏi nhận xét là tốt và được, tỉ lệ cho rằng chưa tốt chỉ chiếm 3%. Bên cạnh việc tiện lợi (tiết kiệm thời gian, gần nhà), chất lượng điều trị bệnh là yếu tố quan trọng thu hút người bệnh đến các cơ sở này. Sự hài lòng của khách hàng với các cơ sở này còn thể hiện ở tỉ lệ 86% số người được hỏi khẳng định sẽ tiếp tục quay lại và trên 75% dự định sẽ khuyên người khác đến khám, chữa bệnh ở những nơi này. Một điều đáng quan tâm là tỉ lệ người sử dụng dịch vụ y tế tư nhân có bảo hiểm y tế chiếm tới 50%, trong đó trên 73% có bảo hiểm y tế bắt buộc. Qua đó cho thấy các cơ sở y tế tư nhân bằng chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ... đã dần trở thành lực lượng cạnh tranh đáng kể đối với các đơn vị công lập. Điều này cũng chứng tỏ chính sách bảo hiểm y tế hiện nay chưa được áp dụng có hiệu quả, chưa làm cho người dân hài lòng và hưởng ứng.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, điều tra cũng chỉ ra một số yếu kém, hạn chế của nhiều cơ sở y tế tư nhân như không niêm yết giá, không đủ thuốc cấp cứu, bán thuốc (Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân không cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân bán thuốc), vi phạm quy chế chuyên môn (kê đơn, vô khuẩn, xử lý chất thải...).
Đáp ứng nhu cầu của xã hội, chắc chắn số lượng các cơ sở y tế tư nhân sẽ ngày càng tăng lên, trong khi lực lượng thanh tra y tế quá mỏng, sự tham gia của các Hội Y dược học địa phương vào công tác quản lý còn hạn chế. Do đó, theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh các chế tài cụ thể, rõ ràng, một giải pháp quan trọng là thành lập Hội hành nghề y tư nhân. Điều này cũng được đa số người cung cấp dịch vụ y tế tư nhân và các chuyên gia, nhà quản lý đồng tình. Vì thế, trên 87% người cung cấp dịch vụ được hỏi trả lời sẽ tham gia Hội hành nghề y tư nhân nếu địa phương thành lập. Hội hành nghề y tư nhân sẽ như “cánh tay nối dài” của quản lý nhà nước, là nơi để các hội viên học hỏi kinh nghiệm, điều kiện hành nghề, các quy chế chuyên môn và được bảo vệ quyền lợi.
Với những số liệu điều tra đầy đủ, cụ thể, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Đào Văn Dũng làm Chủ nhiệm đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về dịch vụ y tế tư nhân ở 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng (trước đó, nhóm đã tiến hành điều tra ở Hà Nội và Đà Nẵng) và đề xuất các giải pháp quản lý loại hình dịch vụ này. Hội đồng khoa học của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (cơ quan quản lý đề tài) đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu và thống nhất đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.