Hội chứng ngộ độc thuốc
Hội chống độc Mỹ cho biết, hằng năm ở nước này có hơn 4 triệu trường hợp ngộ độc. Ở Việt Nam, khoảng 25-30% số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu là do ngộ độc cấp và số tử vong là 10-12%. Trong số đó có không ít người bị ngộ độc thuốc.
Để nhận biết kịp thời loại thuốc mà người bị ngộ độc đã dùng, phải thu thập thông tin ngay: hỏi nạn nhân hoặc người chung quanh xem đã dùng thuốc gì, dùng khi nào, số lượng bao nhiêu. Nếu có thể, gia đình nên đem theo thuốc, bao bì hoặc đơn thuốc đã dùng đến cho bác sĩ điều trị ngộ độc tại bệnh viện để nhanh chóng tìm ra thuốc giải độc.
Các triệu chứng lâm sàng cũng có thể cung cấp thêm thông tin để xác định chất gây độc:
Hội chứng giao cảm : Là các rối loạn mà chất độc gây ra trên hệ giao cảm, liên quan đến chất sinh học adrenalin trong cơ thể, gồm các dấu hiệu sau: kích thích, kích động, ảo giác, co giật; nhịp tim nhanh, tăng huyết áp; vã mồ hôi, run, tăng thân nhiệt.
Các thuốc gây hội chứng giao cảm gồm: amphetamin và các dẫn chất adrenalin, aminophyllin, dopamin, cocain, cafein, phencyclidin. Chúng rất dễ gây ngộ độc do bị lạm dụng để làm thuốc gây chán ăn, giảm cân, làm thuốc kích thích trong các buổi “dạ hội” trong vũ trường (thuốc lắc)...
Hội chứng opioid : Liên quan đến thuốc phiện (opium) và các dẫn chất tương tự, gồm có các triệu chứng: suy giảm hô hấp (thở chậm, yếu, ngáp cá, ngừng thở), thu hẹp đồng tử, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, mất ý thức, hôn mê.
Các thuốc gây hội chứng opioid là chất gây nghiện morphin, meperidin, fentanyl, codein, methadon.
Hội chứng cai thuốc : Gắn liền với việc dùng thuốc gây nghiện. Khi đến cơn nghiện mà không có thuốc, bệnh nhân thèm đến độ bị rối loạn, biểu hiện là ngáp liên tục, chảy nước mắt, tiêu chảy, buồn nôn, đau cơ và co thắt, vã mồ hôi, mất ngủ, vật vã, thở nhanh, thân nhiệt giảm hoặc tăng.
Các thuốc hoặc chất gây hội chứng này gồm ma túy (heroin, morphin, thuốc phiện, cocain), thuốc ngủ nhóm barbiturat, thuốc an thần nhóm benzodiazepin, nicotin (trong thuốc lá), ethanol (rượu).
Hội chứng liệt đối giao cảm : Gồm có các triệu chứng như con ngươi nở rộng, da khô, đỏ, khô miệng, suy hô hấp, tăng nhịp tim.
Thủ phạm có thể là atropin, scopolamin, các thuốc kháng histamin cổ điển (như promethazin...), homatropin, một số thuốc chống trầm cảm, lá cà độc dược.
Hội chứng kháng cholinesterase : Cholinesterase là tên một men đặc trách phân hủy chất sinh học acetylcholin. Chất kháng cholinesterase sẽ làm tích tụ acetylcholin ở tận cùng các dây thần kinh, dẫn đến các triệu chứng cường đối giao cảm (ngược với hội chứng liệt đối giao cảm kể trên): con ngươi co nhỏ, tăng tiết mồ hôi, nước bọt, đi tiểu không tự chủ, tiêu chảy, yếu liệt cơ, vật vã kích thích...
Thủ phạm là physostigmin, thuốc trừ sâu chứa phosphor hữu cơ và carbamat (ở nông thôn dễ xảy ra ngộ độc thuốc trừ sâu).
Hội chứng ngoại tháp : Biểu hiện là run, nói khó, cứng đơ, ưỡn cong người, cứng hàm, lè lưỡi, la hét. Các thuốc gây hội chứng này gồm clorpromazim, haloperidol, acetophenazin. Đặc biệt trẻ em khi dùng thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương rất dễ bị hội chứng ngoại tháp. Ngay như thuốc chống nôn metoclopramid (Primperan) cũng có thể làm cho trẻ 9-10 tuổi bị hội chứng này (đã xảy ra các trường hợp ngộ độc).
Nguồn: vnexpress.net 13/7/2005