Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 11/09/2014 18:25 (GMT+7)

Hoàng Sa của Việt Nam qua tư liệu lưu trữ của chính quyền VNCH (1954-1974)

  Nghiên cứu về quá trình Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, chúng tôi nhận thấy rằng: Trung Quốc đã âm thầm trong một thời gian dài, sử dụng vỏ bọc “ngư dân” trong việc hiện diện tại Hoàng Sa nhằm tạo ra sự “hiện hữu” trong hoạt động kinh tế trên thực địa, sau đó là thu thập tin tức tình báo, tiếp đến là lén đổ bộ lên đảo để cắm cờ hòng khẳng định chủ quyền, rồi khi có cơ hội thì huy động một lực lượng quân sự lớn, giả dạng ngư dân để đánh chiếm toàn bộ  quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền VNCH. Bằng một số tài liệu được lưu trữ dưới dạng “Mật” và “Tuyệt mật”, từn được lưu giữ tại Văn phòng Phủ Tổng thống, Văn phòng Phủ Thủ tướng của chính quyền VNCH (từ năm 1954 đến 1974) dưới đây, chúng tôi xin trình bày đôi nét về các thủ đoạn trên của Trung Quốc.

Như chúng ta đều biết, ngày 5-8-1951, các nước Đồng mInh trong Thế chiến thứ II tổ chức hội nghị ở San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á – Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời kỳ hậu chiến. Hòa ước San Francisco ghi rõ: Nhật Bản phải từ bỏ mọi quyền lợi và tham vọng với hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa). Hòa ước cũng phủ nhận việc Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Trường Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn ở phía Nam. Tại Hội nghị San Francisco này, vào ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, đã long trọng tuyên bố trước sự chứng kiến của 51 nước tham dự rằng: hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Ông Hữu nói: “Việt Nam rất hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật tranh thủ tất cả mọi cơ hội để dập tắt tất cả những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (1). Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam được ghi vào văn kiện của Hội nghị San Francisco (1951) với đa số tán thành và không hề có bất kỳ một phản ứng chống đối hay một yêu sách nào của tất cả các quốc gia tham dự. Việc Chính phủ Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn này tham dự Hội nghị San Francisco dưới sự bảo trợ của Chính phủ Pháp và tuyên bố chủ quyền lâu đời với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là sự kiện có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong chuỗi các sự kiện minh chứng cho sự xác lập chủ quyền từ rất sớm về pháp lý cũng như về sự chiếm hữu thực tế một cách hòa bình, lâu dài và liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt Nam.

Một thực tế cho thấy, quần đảo Hoàng Sa cũng như các ngư trường đánh bắt xung quanh đó đều là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, nhất là nhóm ngư dân từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, tất cả ngư dân Trung Quốc trong lịch sử đều biết rõ điều này. Ông Lữ Điều, người làng Nam Ô (nay trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), người có mặt tài Hoàng Sa thời Bảo Đại cho biết: “Tôi nhớ có lần (năm 1952) tàu cá của ngư dân Trung Quốc vào đảo để xin nước ngọt, dù lúc ấy chúng tôi phải tiết kiệm nhưng vẫn cung cấp cho họ đầy đủ. Trước khi họ đi, Đảo trưởng chúng tôi nói với họ rằng, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không được xâm phạm, họ gật đầu, cảm ơn rồi quay trở lại thuyền” (3). Lợi dụng sự thân thiện đó và cũng để che giấu ý đồ xâm lược (thường bị dư luận Thế giới phản ứng và trái với Công ước Quốc tế về “chiếm hữu hòa bình”), Trung Quốc đã sử dụng “vỏ bọc ngư dân”, nhằm nấp dưới dạng những ngư dân Trung Quốc chân chính, như một biện pháp hiệu quả để “thực thi chủ quyền” mạo nhận của mình, trong suốt một thời gian dài. Vì lẽ đó, từ năm 1954 đến năm 1957, lực lượng bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền VNCH luôn bắt giữ nhiều vụ lực lượng quân sự Trung Quốc giả dạng ngư dân, lén lút đổ bộ lên đảo để cắm cờ, dựng bìa, nắm tin tức tình báo…

Theo các điều khoản trong Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 20-7-1954, thì quân Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam vào tháng 4-1956, lợi dụng cơ hội đó, ngày 30-5-1956, Trung Quốc đưa lực lượng quân sự giả dạng ngư dân bất ngờ đổ bộ lên chiếm đóng đảo Phú Lâm (tức Ile Boisée), đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay lập tức, ngày 1-6-1956, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH là ông Vũ Văn Mẫu, lên án hành động này và ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày sau, Pháp cũng nhắc lại cho Philippines biết những quyền hạn mà Pháp đã có đối với hai quần đảo nói trên từ năm 1933 và khẳng định “nay đã thuộc sự cai quản của quốc gia Việt Nam”. Một tài liệu của chính quyền VNCH lúc bấy giờ, cho biết: “Năm 1956, Trung Cộng đưa dân chài đến xâm chiếm các đảo Phú Lâm và dần thay thế bằng quân đội, lập nên những cơ sở và công sự kiên cố” (4). Để khẳng định chủ quyền và kịp bảo vệ Hoàng Sa, ngày 22-8-1956, hải quân VNCH đã đổ bộ lên các đảo còn lại của Hoàng Sa và dựng bia, kéo cờ chủ quyền tại đây. Song Song với việc đưa lực lượng hải quân và lính bảo an ra đảo để bảo vệ, chính quyền VNCH đã tổ chức một số hoạt động nghiên cứu thủy văn do Saurin dẫn đầu, cấp giấy phép cho kỹ nghệ gia Lê Văn Cang tiến hành khai thác phốt phát ở Hoàng Sa, phục hồi đài khí tượng Hoàng Sa, xây dựng cầu cảng (5)….

Như chúng ta đã biết, theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ (Trung Quốc cũng đã ký kết), chính quyền VNCH mới là chính quyền có trách nhiệm quản lý chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này đều nằm phái dưới vĩ tuyến 17, thuộc miền Nam Việt Nam. Trong tình cảnh đất nước bị chia thành hai miền Nam - Bắc, tại Nam Việt Nam, các chính quyền kế tiếp của VNCH dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, đã từng bước xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh (cùng với lực lượng hùng hậu hải quân Hoa Kỳ, nhất là Hạm đội VII, luôn hiện diện trên khắp Biển Đông để hỗ trợ cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam) cũng đã giúp cho việc quản lý, khai thác, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của chính quyền VNCH thêm hữu hiệu: hạn chế được sự lấn lướt và ý đồ xâm chiếm từng bước theo kiểu “vết dầu loang” của Trung Quốc. Đối với các quốc gia có sự tranh giành với VNCH về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thì chính quyền Sài Gòn thực hiện chủ trương nhất quán, như họ đã xác định: “Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng sẵn sàng theo phương thức thương nghị ôn hòa để giải quyết tranh chấp quốc tế. Điều này càng đúng hơn đối với các quốc gia thân hữu như Trung Hoa Dân Chủ và Philippines”. (6)

Sau khi chiếm được đảo Phú Lâm, Trung Quốc không chỉ dừng ở đó, mà lén lút, âm thầm đưa các ngư dân và lực lượng quân sự giả dạng các đảo còn lại do VNCH canh giữ nhằm thu thập tin tức, “cắm cờ lạ”, theo kế hoạch “tằm ăn dâu”, “nín nhịn, chờ thời”. Hành động đó đã không qua được mắt của lực lượng bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, do chính quyền VNCH cử ra trú đóng tại đây. Một tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng gửi Phủ Tổng thống cho biết “Ngày 1-3-1961 hồi 17 giờ, Bộ Tổng tham mưu Phòng Nhì chúng tôi đã báo cáo bằng điện thoại cùng quý bộ về việc 9 người Trung Hoa tỵ nạn cập bến tại đảo Hoàng Sa và quý vị đã chỉ thị trực tiếp cho Hải quân đưa mấy người trên về Sài Gòn để giao lại cho Sở Nghiên cứu chính trị xã hội. Nay chúng tôi nhận được một công điện của Quân khu 2 cho biết thêm chi tiết về vụ này, trân trọng kính trình ông Bộ trưởng rõ:  Ngày 1-3-1961 lúc 16 giờ, có một ghe buồm lạ trên chở 9 người Trung Hoa đã cập bến tại đảo Hoàng Sa. Theo lời khai của các đương sự thì họ từ đảo Hải Nam chạy trốn chế độ cộng sản. Trên ghe gồm có: 1 cựu giáo sư, 1 cựu thiếu úy Trung Hoa Quốc gia, 1 ngư phủ, 6 nông dân. Vật liệu đem theo gồm có: 2 bản đồ, 2 địa bản” (7).

Tiếp đó, những “ngư phủ” có vũ trang của Trung Quốc, đã tiếp tục lén lút đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa (nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa) nhưng đã bị hải quân VNCH bắt giữ (82 người) và đưa về cảng Đà Nẵng để xử lý, rồi trao trả lại cho phía Trung Quốc. Một tài liệu khác cho biết: “Hạ tuần tháng 2 năm 1959, sau khi nhận được tin Trung Cộng đem quân chiếm đóng Hoàng Sa, Hải quân Việt Nam đã gởi chiếm hạm HQ225 ra thám sát và phối kiểm tin tức trên. Chiến hạm đã bắt gặp một số lớn ghe thuyền này gồm khoảng 30 chiếc, 10 chiếc có gắn máy và 20 chiếc có chở vật liệu, nhân số mỗi chiếc chừng 15 người. Đoàn thuyền đã chiếm các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng. Hải quân Việt Nam đã tổ chức một cuộc hành quân với mục đích bắt giữ các ghe thuyền xâm nhập trong khu vực nhóm Nguyệt Thiềm và chứng minh chủ quyền Việt Nam trên các đảo thuộc nhóm này.

Lực lượng Hải quân tham dự gồm có các chiến hạm: HQ.04, HQ.05, HQ.02, HQ.225, HQ.328, HQ.402. Ngoài ra, còn một đại đội thuộc tiểu đoàn I thủy quân lục chiến tăng cường cùng với một trung đội thủy quân lực chiến hiện đồn trú tại Hoàng Sa. Tất cả lực lượng tham dự được đặt dưới quyền điều khiển của Hạm trưởng hộ tống hạm Tụy Động. Kết quả, các chiến hạm đã ngăn chặn và bắt giữ được một số ngư phủ Trung Cộng khoảng 80 người xâm nhập bất hợp pháp hải phận Việt Nam, tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng. Các nhân viên Trung - Cộng này đã được HQ.04 đưa từ Hoàng Sa về tới Đà Nẵng vào ngày 24-2-1959 để khai thác. Sau khi được biết họ chỉ là những ngư phủ nên đã được HQ.02 đưa ra Hoàng Sa trả họ về các ghe thuyền của họ vào ngày 6-3-1959” (8).

Cùng với việc đưa “ngư phủ” lén lút xâm chiếm, đổ bộ lên các đảo, Trung Quốc còn đẩy mạnh việc đưa tàu đánh cá, tàu thăm dò đẩy khí tiến sâu vào vùng lãnh hải của VNCH tại Hoàng Sa, nhất là việc đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm – nơi mà Trung Quốc vừa chiếm đóng bất hợp pháp vào năm 1956. Để làm được điều đó, nhằm che mắt dư luận thế giới, Trung Quốc đã lén lút huy động các “tàu cá” chở xi măng, sắt, cát…. Ra đảo Phú Lâm. Một báo cáo của lực lượng tình báo VNCH cho hay: “Căn cứ theo các không ảnh do Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ chụp 29-7-1960 và sau khi so sánh với nhiều thí liệu không ảnh của ta chụp ngày 5-3-1959, thiểm Bộ được biết, Trung Cộng đã thiết lập thêm một con đường xe hơi có thể chạy được, xuyên từ Tây Nam tới Đông Bắc đảo và đã làm thêm một khu công thự gồm có 5 dãy nhà 3 căn (mỗi căn rộng khoảng 4 thước) – 4 dãy nhà 6 căn, 4 dãy nhà 2 căn và 2 cột antennes cao khoảng 12 thước” (9).

Nhận thấy mưu đồ sử dụng “tàu đánh cá” và “chương trình thăm dò dầu khí biển Hoa Nam” của Trung Quốc, chính quyền VNCH không ngừng gia tăng sự bảo vệ, kiểm soát đảo và vùng nước phụ cận, đồng thời cực lực lên án hành động leo thang của Trung Quốc. Tuyên cáo ngày 7-9-1967, của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã tái xác định vấn đề đặc quyền lãnh hải của mình, theo đó: “Phần thềm lục địa tiếp cận với lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa thuộc pháp quyền chuyên độc và chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ranh giới của phần thềm lục địa này đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ấn định chiếu theo các quy ước, tiêu chuẩn Quốc tế và đã được công bố đầy đủ. Bởi vậy, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa coi là vô giá trị và vô hiệu lực mọi quyền đặc nhượng, do một quốc gia khác cấp dữ lấn vào phần thềm lục địa của Việt Nam Cộng Hòa. Những công ty thụ thưởng quyền đặc nhượng trái phép ấy, phải gánh chịu mọi trách nhiệm và mọi rủi ro nếu họ tiến hành những công tác tìm kiếm và khai thác khoáng sản trên phần thềm lục địa của Việt Nam Cộng Hòa, mà không có sự cấp quyền hợp lệ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” (10). Chưa hết, giữa năm 1971, tin tức không thám của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ cho hay các hoạt động của Trung Quốc tại hai đảo Phú Lâm và Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ đang trở nên “rất sôi động” như sau: “Tin tức không thám do Đệ I Hạm đội Hoa Kỳ thông báo cho biết các hoạt động của Trung Cộng tại 2 đảoWoody và Lincoln trong dãy Hoàng Sa được ghi nhận như sau: Tại đảoWoody, về hướng Bắc Đông bắc đã có 50 cơ sở gồm nhà cửa đang xây cất; Một cầu tàu dài khoảng 100m được thiết lập từ đảo ra biển hướng Bắc Đông bắc; Kế cận cầu tàu ghi nhận có 3 tàu hàng của Trung Cộng đang cập bến, 2 tàu kéo và 2 xà lan chở đầy vật liệu kiến trúc; tại đảo Lincoln có nhiều người của Hải quân Trung Cộng hiện diện, hình như đang thiết lập cơ sở. Việc Trung Cộng tăng cường hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh có thể đang bành trướng việc xây dựng các hòn đảo trên để trở thành các căn cứ hải quân nhằm yểm trợ Hạm đội Trung Cộng hiện đang phát trienr mạnh ở vùng Biển Đông Nam Á” (11).Trong quá trình thu thập, khai thác tư liệu về Hoàng Sa tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia, chúng tôi được tiếp cận nhiều ảnh tư liệu do Quân đội Hoa Kỳ và VNCH chụp được, cho thấy các “ngư phủ” giả dạng của Trung Quốc chở vật liệu và xây dựng các cơ sở quân sự tại Hoàng Sa trong thời gian này.

Chú thích:

1. Nguyễn Việt Long, Hoàng Sa, Trường Sa – Các sự kiện, tư liệu lịch sử, pháp lý chính (Thế kỷ XV-2000), Nxb Trẻ, tr.120-121.

2. UBND huyện Hoàng Sa, Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb. Thông tin - Truyền thông, tr.161.

3. Dẫn theo Việt Nam Thông Tấn Xã - Số 8360 (chiều) thứ sáu 15-2-1974.

4. Đỗ Bang (2011), Quá trình khai thác và thực thi chủ quyền ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của triều Nguyễn, tạp chí Huế xưa và nay, số 104, tr.14

5. Bộ Dân vận Sài Gòn, Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, Sài Gòn, 1974.

6. Trích Phiếu trình số 0367/TTM/2/5, ngày 6-3-1961.

7. Dẫn theo “Tờ trình của Bộ Tư lệnh hải quân, chuyển Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH để trình Thủ tướng VNCH”, Văn bản đề ngày 21-5-1971 (Tài liệu lưu tại Văn phòng Phủ Thủ tướng VNCH).

8. Phiếu trình số 2838-QP/DL/K ngày 27-5-1961 của Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng gửi Bộ trưởng kinh tế và Bộ trưởng Công chính và Giao thông Sài Gòn. Ký hiệu hồ sơ số 1572-PTTg.

9. Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về tài nguyên thiên nhiên của quốc gia trong vùng biển và dưới đáy biển.

Xem Thêm

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...