Hòa Bình: Liên hiệp Hội phản biện quy hoạch vùng CT229
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo, chuyên viên: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học & Công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của dự án điều chỉnh quy hoạch.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Bảo Toàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội chào mừng các vị đại biểu đại diện các sở, ban, ngành đã đến tham dự Hội thảo và mong muốn với sự am hiểu và tâm huyết của mình, các vị đại biểu nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến vào bản dự thảo dự án điều chỉnh quy hoạch và bản Báo cáo tổng hợp đóng góp ý kiến dự thảo dự án: “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng CT229 tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010-2020”của Liên hiệp Hội để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện bản Kế hoạch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao bản Báo cáo tổng hợp đóng góp ý kiến dự thảo dự án điều chỉnh quy hoạch do Liên hiệp Hội thực hiện. Bản báo cáo đã được xây dựng nghiêm túc, chất lượng, đầy đủ, rõ ràng, chi tiết và phản ánh một cách trung thực, khách quan dựa trên các ý kiến đóng góp của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình. Bản báo cáo đã phân tích, chỉ ra những vấn đề đạt được, những vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung của bản dự thảo dự án điều chỉnh quy hoạch. Trên cơ sở đó đề xuất, đóng góp ý kiến giúp cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo Kế hoạch trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hội đồng phản biện và các đại biểu cũng chỉ ra dự thảo dự án điều chỉnh quy hoạch còn một số tồn tại, hạn chế cần bổ sung như: Đánh giá thực trạng của vùng CT229 trong báo cáo chưa nêu rõ tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế so sánh về vị trí địa lý, giao thông đường bộ, đất đai,… cũng như các mặt khó khăn, thách thức, đặc biệt ở đây là các hạn chế, khó khăn do quy định đặc thù của vùng CT229. Đây là sự khác biệt rất cơ bản khi tiến hành đề xuất quy hoạch cho vùng cũng như các cơ chế chính sách của Nhà nước đối với vùng CT229; Mới chỉ nêu được nguyên nhân là do xuất phát điểm của nền kinh tế của vùng còn thấp, chất lượng tăng trưởng không cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất mang tính chất tự cung, tự cấp là chính; cơ sở hạ tầng còn yếu kém, môi trường đầu tư còn khó khăn, dàn trải,… điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cần xác định vùng CT229 là địa bàn chiến lược của quốc gia nên việc chọn lựa lĩnh vực, quy mô đầu tư cần phải cân nhắc, tính toán chi tiết và trên hết đó là phải đảm bảo tuyệt đối vấn đề an ninh, do vậy đã hạn chế rất nhiều đến việc thu hút đầu tư mặc dù tiềm năng còn lớn. Từ đó mới xác định được những lĩnh vực nào được ưu tiên đầu tư và đề xuất cơ chế hỗ trợ vùng CT229 vẫn khai thác được tối đa tiềm năng sẵn có để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà vẫn đảm bảo được mục tiêu giữ vững an ninh, an toàn tuyệt đối của vùng ATK,...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Tổng hợp-Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã đánh giá cao các ý kiến, đề xuất giải pháp của Hội đồng phản biện cho bản dự thảo dự án điều chỉnh quy hoạch. Ông mong muốn tiếp tục nhận được những đề xuất về phương án, biện pháp triển khai cụ thể hơn nữa để cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung vào bản dự thảo dự án điều chỉnh quy hoạch.
Các đại biểu dự Hội thảo đánh giá cao vai trò, nhiệm vụ của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội trong thời gian qua và đề nghị Liên hiệp Hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tập hợp các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài tỉnh để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội ngày càng đạt hiệu quả cao.