Hổ phách – đá trang sức, dược liệu quý
Nguồn gốc hình thành
Trong thời cổ đại, hổ phách còn có nhiều tên khác nhau như dục bái, giang chu, thú phách, di ngọc, hoả phách, hồng hạnh, huyết phách, thạch phách, hoa phách, thuỷ phách… Đây là một trong những vật quý nổi tiếng thời cổ. Hổ phách, được hình thành do sự hoá đá của nhựa cây. Vì vậy, nó có ánh nhựa cây, trong suốt óng ánh, rất huyền ảo. Trong hổ phách có chứa côn trùng hoặc cỏ cây, hoa lá sống dộng. Nhựa thông chảy ra, nhỏ xuống hình thành nên viên nhựa thông. Hương thơm của viên nhựa thông phát tán đi khắp nơi thu hút côn trùng đến, và bị dính vào. Sau đó lại vì biến động của vỏ trái đất, viên nhựa thông bị chôn vùi xuống dưới đất, trải qua biến động hàng ngàn năm mà hình thành nên hổ phách. Cho nên có câu “nghìn năm phục linh, vạn năm hổ phách”.
Các nước có nhiều mỏ hổ phách nhất nằm dọc bờ biền Bantic, rồi đến Đôminica, Italia, Rumani, Anh, Na Uy, Pháp, Thuỵ Điển, Canađa, Mêhicô, Ấn Độ, Myanma… Các nước Đức, Ba Lan, Nga… là những nơi khai thác hổ phách nổi tiếng nhất. Hổ phách thường nằm trong địa tầng kỷ Đệ Tam cổ (cách ngày nay khoảng từ 40 triệu năm đến 60 triệu năm). Hổi phách chế tác thành hàng trang sức và hàng mỹ nghệ, làm ra dây chuyền, nhẫn…rất đẹp. Nếu hổ phách có chứa côn trùng thì càng có giá trị cao.
Tính chất của hổ phách
Thành phần chủ yếu của hổ phách là các vật chất hữu cơ như cacbon (C), hydro (H), oxy (O) hợp thành. Hổ phách nhiều màu, nhiều kiểu như vàng, vàng nhạt, vàng nâu, trắng nhạt, đỏ nhạt, đỏ máu, đen… Hổ phách thường có ánh dạng nhựa thông, dạng ngọc trai. Hổ phách là chất phi tinh thể, giòn, trong suốt đến không trong suốt, qua xử lý sẽ trở thành hổ phách trong suốt. Ma sát dẫn điện, có thể hút được giấy… Loại đá quý này có các hình dạng khác nhau (dạng cục, dạng hạt đậu, dạng hạt…). Do trong hổ phách có chứa các tạp chất khác nhau nên độ cứng và tỷ trọng của nó cũng có biến đổi. Độ cứng nói chung là 2~3, tỷ trọng là 1~1,2. Hổ phách phân huỷ trong axit sunphuric và axit nitric sôi. Một phần hoà tan trong cồn, ete, dầu thông. Điểm nóng chảy của hổ phách là 250~400ºC, 150ºC bắt đầu hoá mềm. Khi đốt sẽ phát ra khói trắng, có khi có mùi thơm.
Hổ phách làm dược liệu
Đông y truyền thống đã gọi hổ phách là một loại thuốc quý. Các sách y học cổ của Trung Quốc như bản thảo cương mục của Lý Thời Trân… cho biết, hổ phách có tính lành, vị ngọt, không độc, khoẻ ngũ tạng, định tâm hồn, tan tụ máu, chủ yếu chữa các bệnh như đái ra máu, bí đại tiện, hồi hộp khó ngủ… Dược liệu này có hiệu quả đặc biệt tốt trong điều trị bệnh bạch đới phụ nữ, bôi ngoài chữa được lở loét mụn nhọt. Bình thường, người hay nóng ruội hốt hoảng dùng hổ phách pha chè uống có thể trấn tĩnh ngay.
Theo sách Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, trước kia Tây y cũng có dùng hổ phách để làm thuốc chống co thắt dùng dưới hình thức xông, cồn thuốc. Đông y coi hổ phách có vị ngọt, tính bình, vào bốn kinh tâm, can, phế và bàng quang, có tác dụng an thần, định kinh, lợi tiểu tiện, tán ứ huyết. Có thể dùng để điều trị tâm thần bất định, hồi hộp mất ngủ, ngủ hay mê sợ, tiểu tiện ra huyết, chữa mụn nhọt lâu lành. Mỗi ngày dùng 1 đến 3g. Trong sách cổ Đông y, hổ phách hay làm hao mòn chân khí cho nên chỉ những người hoả suy, thuỷ thịnh nên dùng, còn những người hoả thịnh thuỷ suy không nên dùng.
Cách nhận biết thật giả
Hàng trang sức hổ phách được nhiều người ưa thích, nhưng hổ phách thật không nhiều, nên trên thị trường đã xuất hiện các loại hổ phách giả. Vật liệu nhựa là loại hổ phách mô phỏng phổ biến và thường thấy nhất. Từ mấy chục năm trước đây đã bắt đầu sản xuất vật liệu nhựa để làm giả hổ phách, nhìn vào tạo hình và phong cách thì rất giống hổ phách. Các chế phẩm giả từ nhựa thông có độ cứng không ổn định nên dễ biến chất, giá lại rẻ. Người tiêu dùng rất khó phân biệt hổ phách thật với các vật liệu nhựa làm hổ phách giả. Ngoài ra, còn có một loại bán hoá đá của nhựa thông thiên nhiên được thành tạo trong thời kỳ gần đây, được gọi là copal, rất giống hổ phách.
Để phân biệt hổ phách thật và hổ phách làm từ vật liệu nhựa, hãy cho các hạt đó vào nước muối đặc hoặc đã bão hoà, chỉ có hổ phách, nhựa thông rắn và polystrene là nổi, còn các loại nhựa khác đều chìm. Cũng có thể thử độ thật giả của hổ phách bằng hai loại chất lỏng hữu cơ là benzen và cồn. Benzen và cồn sẽ làm cho polystrene trở nên mềm và có độ dính cho đến phân huỷ hoàn toàn. Trong vòng không đến nửa phút thì benzen cũng sẽ làm cho nhựa thông cứng biến thành mềm. Nếu là hổ phách thật thì sẽ không bị benzen và cồn phân huỷ biến thành mềm được.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 80(1798)