HLV và TT Thanh Hóa: Một năm ấn tượng
Những kết quả đột phá
Đến cuối năm 2014, HLV&TT Thanh Hóa có 27 đơn vị Hội thành viên ở 27 huyện, thị xã, thành phố; 466 cơ sở Hội ở các xã, thị trấn với gần 25.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Nhìn lại một năm phát triển, có thể nhận thấy, Hội đã có những bước tiến vững chắc nhờ đẩy mạnh hoạt động xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trong tỉnh.
2014 cũng là năm giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 - H14 khẳng định được hiệu quả trên đồng đất xứ Thanh, còn HLV&TT chứng minh được hướng đi của mình là đúng. Thời gian tới, Hội và hội viên sẽ phát triển loại cây ăn quả này theo hướng đầu tư có chiều sâu về kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, gắn kết người trồng thanh long với doanh nghiệp.
Sau 5 năm đưa thanh long vào trồng trên đồng đất xứ Thanh, đã có gần 400 hộ ở 21 huyện, thị trồng 100.000 trụ, diện tích khoảng 100ha. Có thể thấy, thanh long ruột đỏ là loại cây khá mới, chất lượng quả tốt và giá bán tương đối ổn định nên nhiều chủ vườn phất lên nhanh chóng.
Ngoài dự án trồng thanh long ruột đỏ, HLV&TT Thanh Hóa còn thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ cải tạo vườn nhãn, vải , đẩy mạnh cải tạo vườn tạp và phát triển cây ăn quả. Qua 2 năm, tỉnh Hội và các huyện Hội như Triệu Sơn, Thạch Thành, Hà Trung, Vĩnh Lộc đã thực hiện thành công mô hình ghép cải tạo nhãn và ghép nhãn lên gốc vải, xây dựng được 2 mô hình ghép cải tạo vườn nhãn thành vườn giống với 135 cây nhãn chín muộn HTM1, HTM2, PHM99-1.1 và vườn ghép nhãn lên gốc vải, hiện cả 2 vườn đã cho thu hoạch.
Trong năm qua, HLV&TT cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển cây ăn trái ở Thanh Hóa”, góp phần tạo được niềm tin và động viên nhà vườn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào trồng cây ăn trái và cải tạo vườn tạp thành vườn hàng hóa.
Hội chỉ đạo trồng mới 130.000 cây ăn quả các loại gồm bưởi Diễn, bưởi da xanh và bưởi Hồng Quang Tiến với khoảng 41.000 gốc; còn lại là mít Thái, ổi không hạt, chuối tiêu hồng, gấc…
Hội cũng tích cực triển khai đề tài khoa học phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học được đông đảo người chăn nuôi hưởng ứng, kết quả vượt xa nhiệm vụ được giao. Các mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã lan rộng ra 25/27 huyện, thị trong tỉnh với gần 3.000 hộ tham gia. Thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học, HLV&TT Thanh Hóa đã tạo thuận lợi cho nông dân tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Hội còn thực hiện nhiệm vụ khoa học xây dựng 3 mô hình “mạ khay, cấy máy”, đây là dự án được triển khai từ tháng 6/2014, kết quả đã ủ được hơn 200 tấn rơm lấy mùn làm giá thể mạ khay và sản xuất 27.000 khay mạ từ giá thể mùn rơm đã qua xử lý, cấy máy mạ khay với diện tích 95ha. Đồng thời, nhân rộng các mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, góp phần cải tạo đất, hạn chế việc đốt rơm rạ gây phát thải khí nhà kính.
Tăng cường phối hợp, liên kết...
Để thực hiện những dự án khoa học thành công, HLV&TT Thanh Hóa đã phối hợp, liên kết với các ngành, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh tạo nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế VAC, kinh tế trang trại như phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện 3 đề tài khoa học gồm: cải tạo vườn nhãn vải, chăn nuôi trên đệm lót sinh học và mạ khay cấy máy… Tất cả đều cho kết quả ngoài mong đợi.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các mô hình sản xuất giảm phát khí thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Liên kết với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương trong thực hiện ghép cải tạo vườn nhãn vải và cải tạo vườn tạp, chuyển giao tiếp nhận công nghệ và mua các chế phẩm sinh học với Công ty cổ phần Sinh học (Hà Nội), phát triển trồng gấc và tiêu thụ gấc…
Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa xác định nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng đạt 3,6%, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung công nghệ cao theo chuỗi giá trị từ khâu giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, tiêu thụ.
Ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch HLV&TT tỉnh, cho biết: “Để thực hiện tốt định hướng trên, nhiệm vụ của Hội trong năm 2015 là hoàn thành 2 dự án khoa học, thực hiện các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục hoàn thiện mô hình “mạ khay, cấy máy” và thúc đẩy phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế. Cũng trong năm 2015, tỉnh Hội sẽ xây dựng và phát triển đề án nuôi thỏ trắng Newzealand theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi”.
Những đóng góp của HLV&TT Thanh Hóa cho kinh tế trang trại, kinh tế VAC một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của Hội đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ năm 2015 của HLV&TT Thanh Hóa là hoàn thành 2 dự án khoa học, thực hiện các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục hoàn thiện mô hình “mạ khay, cấy máy” và thúc đẩy phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế. Ngoài ra, tỉnh Hội sẽ xây dựng và phát triển đề án nuôi thỏ trắng Newzealand theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Lôi Xuân Len, Chủ tịch HLV&TT Thanh Hóa |