Hiểm họa từ những cánh đồng hoa
Chúng tôi tìm đến cánh đồng xã Mê Linh (Mê Linh - Vĩnh Phúc) khi trời vừa chuyển sang chiều. Mùi nồng hắc của thuốc trừ sâu pha lẫn mùi khét của máy nổ xộc thẳng vào mũi. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh mịt mờ của những làn sương thuốc bảo vệ thực vật. Nhấp nhô trong những ruộng hoa, hàng trăm người dân, kẻ cắt, tỉa, bón phân, người bơm nước. Nhưng đông nhất là “đội quân” phun thuốc. Để tự bảo vệ mình người phun thuốc chỉ có chiếc khẩu trang.
Phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được anh Trần Văn Khởi, một người phun thuốc. Độ rung của máy phun làm cho người anh run lên bần bật. Anh cố quát to như để át tiếng máy nổ: “Chờ một tý!”. Với 2 sào ruộng, trên 10.000 gốc hồng, cứ cách 3 ngày anh lại phải phun thuốc một đợt. Tranh thủ lúc giải lao giữa hai bình thuốc anh Khởi kéo sệ vai áo cho chúng tôi xem: Bả vai của anh lõm xuống hai vết dây máy phun thuốc một màu tái xỉn. Tổng cộng anh phải đeo trên mình khối lượng gần 40kg cả thuốc lẫn máy. Anh Khởi cho hay, nguyên nhân “lõm vai” không phải do trọng lượng máy phun, mà do quá trình làm việc, thuốc rò rỉ thấm vào quai dây bám vào thịt rồi ăn mòn…
Chúng tôi cố ghi chép đầy đủ “danh mục” các loại thuốc trừ sâu mà anh Nguyễn Hữu Hoà, 22 tuổi phun trong buổi chiều: Mopride, sherpa, vertimec, daconie, dipomate… với những lưu ý rằng thuốc cực độc. Hoà cho biết, chỉ mới ngửi cũng đủ ngạt thở rồi. “Nhưng khủng khiếp nhất là khi hoà tất cả các loại thuốc trên làm một, mùi có thể nói là… kinh hoàng”. Với những người có chiều cao khiêm tốn như Hoà, cứ mỗi lần phun thuốc là phải ngẩng đầu lên, lượng thuốc rơi vào vườn hoa cũng “tương đương” số hoá chất ngấm vào cơ thể.
Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Văn Bẩy, cán bộ hội khuyến nông xã Mê Linh cho biết. Cả xã có khoảng trên 300ha diện tích đất nông nghiệp trong đó 250ha dành cho việc trồng hoa các loại trong đó chủ yếu là hoa hồng Pháp. 85% dân trong xã theo nghề trồng hoa, hàng năm cho thu nhập gấp 5 lần trồng lúa. Để có những vụ hoa được mùa, mỗi năm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật có thể lên tới trên 4 tỷ đồng, chiếm 55% lượng chi phí của việc trồng hoa mà người dân bỏ ra. “Đây là lượng thuốc bắt buộc, nếu không hoa sẽ cho chất lượng kém”- ông Bẩy nhấn mạnh. Về việc sử dụng thuốc an toàn, xã đã thực hiện tuyên truyền hướng dẫn bà con sử dụng thuốc an toàn (tăng lượng thuốc sinh học). Tuy nhiên do thuốc an toàn giá thành quá đắt nên vẫn còn nhiều bà con vẫn sử dụng nhiều thuốc hoá học độc hại thậm chí có cả những loại thuốc của Trung Quốc.
Ông Bẩy còn cho biết về việc phòng tránh độc hại từ thuốc bảo vệ thực vật đều do ý thức tự giác của bà con nông dân. Mặc dù xã đã nhiều lần đề nghị với Sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng họ trả lời là chưa thể đánh giá được mức độ ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật gây nên vì lí do giá thành của việc thí nghiệm quá đắt.
Nguồn: KH&ĐS Số 81 Thứ Hai 9/10/2006