Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 01/08/2005 14:04 (GMT+7)

Hệ thống truyền hình hội nghị do kỹ sư Việt Nam thiết kế


Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển vũ bão như ngày nay thì khoảng cách địa lý hầu như không có ý nghĩa. Tại nhiều nước trên thế giới, việc thực hiện các cuộc hội nghị qua truyền hình với sự tham dự của nhiều người tại nhiều địa điểm khác nhau trong cùng một thời điểm là chuyện "thường ngày ở huyện".

Ở nước ta, việc này cũng đã có tuy còn chưa phổ biến. Hơn nữa việc tiến hành các cuộc hội nghị truyền hình từ các điểm khác nhau mới chỉ có thể thực hiện được tại các thành phố lớn vì chỉ ở đó mới có đủ các điều kiện cần thiết. Vậy có thể thực hiện được hội nghị truyền hình từ các vùng sâu vùng xa trong điều kiện của nước ta được không?

Công trình "Hệ thống truyền hình hội nghị Evision" do Công ty đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông Elcom thiết kế đã giúp trả lời "Có thể" cho câu hỏi trên.

Công trình này do một nhóm kỹ sư của Công ty Elcom (18 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) thực hiện mà đứng đầu là kỹ sư Phan Chiến Thắng, chủ nhiệm công trình cùng ba cộng sự là các kỹ sư Trần Thành Trung; Lại Hữu Thanh; Nguyễn Mạnh Thủy.

Trên thế giới cũng đã từng có một số hệ thống truyền hình hội nghị như Polycom, Tandberg... Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn thì số điểm tham gia truyền hình hội nghị của các hệ thống này khá hạn chế và không có những đặc tính công nghệ đặc biệt như hệ thống Evision của Elcom. Điều này có thể được giải thích một cách đơn giản nhất là các phần mềm hệ thống của Evision đều do Elcom viết và bổ sung thêm những điểm đặc biệt riêng.

Hiện nay, đối với một số các loại hệ thống truyền hình hội nghị trên thế giới thì chuẩn nén video/audio thường sử dụng các chuẩn nén H261, H263 , H264, G7 11, G722 nên hình ảnh chỉ có thể dùng trong trường hợp ảnh có độ chuyển động thấp. Đồng thời khi các hệ thống này quay các cảnh có độ chuyển động cao thì hình sẽ bị giật và có thể có hiện tượng mất đồng bộ giữa hình và tiếng.

Trong khi đó, hệ thống truyền hình hội nghị Evision phát triển theo công nghệ chuẩn nén MPEGL, MPEG2 để nén cả hình ảnh video và audio nên có thể khắc phục được các nhược điểm trên. Hơn thế nữa, hệ thống còn có thể mang lại chất lượng hình ảnh và âm thanh tương đương chất lượng DVD.

Ngoài những ưu điểm được đánh giá là "mang tính sáng tạo" kể trên, hệ thống Evision còn được thiết lập với giao diện tiếng Việt hết sức thân thiện. Chương trình truyền hình hội nghị của Elcom được module hóa đến mức tối ưu. Việc truyền dữ liệu hình ảnh qua hệ thống Evision đều tuân theo giao thức chuẩn RTF và RTCP cho phép khắc phục lập tức các lỗi đường truyền nếu có. Hệ thống truyền hình hội nghị Evision được thiết lập với các chế độ hoạt động được mã hóa cao. Phần bảo mật thông tin truyền trên mạng được hỗ trợ tuyệt đối. Các dữ liệu video/audio đều được mã hóa trước khi truyền đi.

Điều cần nhấn mạnh thêm là Elcom chính là đơn vị đầu tiên nghiên cứu và phát triển hệ thống truyền hình hội nghị đầu tiên tại Việt Nam . Toàn bộ các phần mềm hệ thống trong hệ thống truyền hình hội nghị đều do Công ty Elcom nghiên cứu và viết ra. Vì vậy nên nếu khách hàng hoặc các đơn vị sử dụng có nhu cầu muốn thay đổi bổ sung hoặc sửa đổi các tính năng của hệ thống Elcom thì đều có khả năng đáp ứng được.

Sự ra đời của hệ thống truyền hình hội nghị Evision đã mở ra nhiều khả năng ứng dụng ở nước ta. Theo kỹ sư Phan Chiến Thắng, trước hết, tính áp dụng của hệ thống này được thể hiện ở chỗ hệ thống truyền hình Evision có thể thực hiện truyền hình trực tuyến các cuộc hội nghị, các cuộc họp giao ban từ nhiều điểm khác nhau.

Thông thường, việc tổ chức các cuộc họp có quy mô lớn với sự tham gia của các đại diện từ các tỉnh thành khác nhau đòi hỏi nhiều thời gian để các đơn vị có thể đến địa điểm họp bằng các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, với hệ thống truyền hình hội nghị đa điểm của Elcom thì các đại biểu tham gia hội nghị ngồi trước màn hình trực tuyến và thực hiện các thao tác bàn phím là có thể tham gia cuộc họp.

Kỹ sư Thắng cũng cho biết: trước khi hệ thống Evision được Bộ quốc phòng đưa vào sử dụng, nhóm thiết kế đã tiến hành triển khai ứng dụng trong thực tế với phạm vi áp dụng từ Cà Mau đến Việt Bắc. Kết quả cho thấy có thẻ áp dụng hệ thống trong phạm vi cả nước.

Theo nhóm thiết kế thì trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam chưa theo kịp các nước phát triển trên thế giới, nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, thì việc nghiên cứu và cho "trình làng" một công trình mang tính ứng dụng cao như hệ thống truyền hình hội nghị Evision là một hướng đi đúng, bởi nó cho phép không lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ nhập từ nước ngoài, giúp Nhà nước tiết kiệm được một khoản chi không nhỏ, và cơ bản đây là một biện pháp ổn định, mang tính lâu dài.

"Hệ thống truyền hình hội nghị Evision" của Công ty Elcom đã được trao giải khuyến khích của Giải thưởng khoa học công nghệ Việt Nam năm 2004 (VIFOTEC) trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Các thành viên của nhóm công trình hy vọng trong tương lai gần, khi các cuộc họp giao ban, hội nghị qua truyền hình trở nên phổ biến tại nước ta thì hệ thống truyền hình hội nghị Evision của họ sẽ nhanh chóng được tiếp nhận và tìm được "đất dụng võ".

                               Nguồn: nhandan.com.vn   22/7/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.