Hạch toán thu nhập và chi phí sản xuất lúa của nông dân
Khoản mục | ĐX 05-06 | HT 06 | TĐ 06 | ĐX 06-07 |
Diện tích (ha) | 1 | 1 | 1 | 1 |
Năng suất (t/ha) Gía Bán (đ/kg) Thu nhập (đ/ha) Chi phí (đ/ha) Lãi (đ/ha) Gía thành (đ/kg) Tỷ lệ lãi/chi phí (%) Hiệu suất 1 đồng vốn | 6.90 2261,86 15.614.710 7.345.005 8.269.705 1.065 113,0 1,13 | 4.74 2268,50 10.750.420 8.048.308 2.702.112 1.698 33,6 0,34 | 4.15 2584,40 10.725.260 7.464.064 3.261.196 1.799 43,7 0,44 | 5.35 2637,96 14.113.086 7.682.119 6.430.967 1.436 83,7 0,84 |
(Ghi chú : Hạch toán chưa tính công lao động nhà, phương tiện, đất đai và máy móc sẵn có cũng như lãi suất ngân hàng mà còn mang tính chất «lấy công làm lời»).
Kết quả này được tính bình quân trên một ha sản xuất lúa cho tất cả các vụ. Điều cần nhấn mạnh ở đây là bà con không tính công lao động nhà, không tính phương tiện, đất đai và máy móc có sẵn cũng như lãi suất ngân hàng mà có tính chất « lấy công làm lời ». Nếu tính đúng và đủ thì lợi nhuận thực tế của nông dân còn thấp hơn nhiều.
Thông thường vụ Đông Xuân (ĐX) là vụ sản xuất chính trong năm mang lại năng suất cao và nhiều thuận lợi cho nông dân. Tuy nhiên, ở đây trong vụ ĐX năm 2006-2007 do bà con nông dân Hậu Giang bị dịch Rầy Nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tấn công nên tổng diện tích bị mất trắng không thu hoạch được là 18.7 %. Dẫn đến năng suất thấp 5.35 t/ha, so với 6.90 t/ha trong vụ ĐX 2005-2006.
Trong điều kiện tương đối bình thường so sánh 3 vụ trong năm thì nhận thấy về năng suất lúa cao nhất là vụ ĐX, kế đến Hè Thu (HT) và Thu Đông (TĐ) lần lượt là 6.90, 4.74 và 4.15 t/ha.
Lãi /ha cao nhất trong vụ ĐX với trên 8 triệu đồng, kế đến TĐ gần 3,3 triệu đồng/ha. Vụ HT do chi phí cao nhất nên dẫn đến lãi ít nhất, bình quân chỉ là 2,7 triệu đồng/ha. Vì vậy, đa số nông dân rất ngán vụ HT vì mưa nhiều, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp và lãi rất ít so với ĐX và nhiều hộ gia đình bị thất thu hoặc lỗ vốn.
Hiệu quả một đồng vốn gần như không thuyết phục về mặt kinh tế. Tức là 1 đồng vốn bỏ ra phải thu về bằng 1 đồng hoặc trên 1 đồng tiền lời. (>= 2). Mặc dầu có lãi cao nhất trong vụ DX 05-06 nhưng hiệu quả 1 đồng vốn chỉ có 1,13. Trong lúc đó hiệu quả 1 đồng vốn của vụ TĐ lại càng kém hơn chỉ đạt 0,44. Hiệu quả 1 đồng vốn vụ HT là kém nhất, một đồng vốn bỏ ra chỉ thu về được 0.34 đồng lời.
Khi tính đúng, tính đủ công lao động gia đình, lãi suất ngân hàng, tiền thuê mướn đất đai thì cách tính trên đây có khẳ năng trở thành «lãi giả mà lỗ thật» ở những vụ lợi nhuận thấp như HT và TĐ vì hiệu qủa đồng vốn nói chung quá thấp. Điều này nhấn mạnh sự chú ý của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lí, thu mua xuất khẩu cần có chính sách ưu tiên thu mua lúa cho người nông dân đảm bảo có lãi ít nhất 30% so với giá thành và cơ chế bao tiêu sản phẩm, văn minh và hiện đại hóa hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo xuất khẩu hiện nay.
Ngoài ra, cần phải có chiến lược nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho tất cả các vụ trong năm, hạ giá thành bằng việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lúa bằng một biện pháp tổng hợp từ giống, kỹ thuật canh tác, áp dụng phân bón, bảo vệ thực vật và công nghệ sau thu hoạch. Nâng cao năng suất lúa HT và TĐ bằng việc trồng cách năm (năm trồng năm nghỉ để bồi dưỡng đất đai và có chiến lược luân canh lúa – cây trồng cạn bồi dưỡng đất (lúa ĐX – Màu XH/HT- Lúa TĐ), tăng cường các biện pháp hạn chế nhiễm mặn, rửa phèn và tích lũy phù sa bồi đắp hàng năm… Trong việc áp dụng phân bón thì nâng cao hiệu quả bón phân thông qua các nghiên cứu quy trình bón phân với liều lượng và chủng loại phân cụ thể cho từng mùa vụ và từng loại đất khác nhau trong tỉnh Hậu Giang (nói riêng và các huyện tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung). Vì hiện nay nông dân tự phát bón theo kinh nghiệm, vụ HT chi phí bón phân cao hơn so với khuyến cáo và so với vụ ĐX (ngược với khuyến cáo hiện nay áp dụng phân bón thông thường cho vùng ĐBSCL). Đồng thời những khuyến cáo phân bón đang phổ biến là qúa cũ , không còn phù hợp và không sát từng vùng sinh thái riêng biệt.
Phân loại thành phần chi phí trong sản xuất lúa của nông dân
Theo nghiên cứu này có tất cả 16 khoản chi phí chính cho sản xuất một vụ lúa. Số liệu trong các bảng sau đây được tính toán lấy bình quân từ 8 vụ lúa trong 3 năm 2005, 2006 và 2007. Chúng tôi tạm chia thành 3 nhóm chi phí là (i) : Nhóm chi phí thuộc về vật tư,(ii) : Nhóm chi phí thuộc về thuê mướn và công lao động, (iii) : Nhóm chi phí thuộc về thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch. Tuy nhiên, chi phí có thể thay đổi bất lợi cho nông dân khi giá vật tư gia tăng đột biến như trong năm 2008 vừa qua.
Về tổng quát, kết quả khảo sát nhận thấy rằng trong tổng chi phí 100%, thì chi phí về vật tư bao gồm giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón chiếm gần 2/3 so với tổng chi phí (54.9%). Trong đó chi phí cao nhất là mua phân bón (33.7%), kế đến là mua thuốc BVTV các loại (12.8%), rồi đến chi phí về mua giống (8.4%).
Trong chi phí về giống, do tỷ lệ bà con mua giống ở địa phương và tự trao đổi còn nhiều nên chi phí này chưa cao. Nếu tính mua giá nguyên chủng với giá hiện nay 10 ngàn đồng/kg thì chi phí này gần gấp đôi (16.7%). Do đó việc áp dụng biện pháp sạ hàng hoặc 3 giảm 3 tăng nhằm giảm chi phí về giống để giảm giá thành là rất quan trọng.
Do bà con nông dân chưa đi sâu áp dụng nguyên tắc « 4 đúng » và phòng trừ tổng hợp (IPM) theo đúng nghĩa của nó nên còn lạm dụng thuốc BVTV, gây ô nhiễm môi trường và tăng thêm chi phí sản xuất.
Về phân bón, tuy đã có nhiều khuyến cáo áp dụng phân bón nhưng việc áp dụng của nông dân còn tùy tiện và không theo sát một khuyến cáo nào. Phân bón được bà con áp dụng theo kết quả điều tra phỏng vấn thì có nơi trái ngược với tài liệu khuyến cáo, tức là vụ ĐX thay vì sử dụng nhiều phân bón hơn 2 vụ HT và TĐ, nhưng theo nông dân thì sử dụng phân bón ở 2 vụ này nhiều hơn so với vụ ĐX. Nông dân nêu lí do như vụ ĐX có phù sa, 2 vụ kia mưa nhiều, rửa trôi cần bón nhiều phân…
Kết quả khảo sát này nẩy sinh nhiều đề nghị cần thiết nên tiến hành nghiên cứu lại thành phần và số lượng phân bón áp dụng cho từng tiểu vùng của tỉnh Hậu Giang (và ĐBSCL nói chung) qua từng vụ để có khuyến cáo rõ ràng và cập nhật hơn so với các khuyến cáo đã cũ không còn phù hợp cho nông dân. Tiến hành kiểm tra thường xuyên chất lượng các loại phân bón trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và hạ giá thành sản xuất lúa.
Tổng chi phí thuộc nhóm công lao động chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 3 nhóm (15.8%). Trong đó sửa soạn đất chiếm tỷ trọng cao nhất (6.4%). Tuy vậy, chúng ta cũng có khả năng giảm chi phí của nhóm này bằng cách trang bị thêm máy móc cho hộ nông dân, nhất là hiện nay có chủ trương kích cầu cho nông dân vay vốn lãi suất thấp để đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất và cơ giới hóa lao động thì sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm và giải phóng sức lao động cho nông dân, đặc biệt là lao động nữ.
Nhóm chi phí thứ 3 trong sản xuất lúa là chi phí thu hoạch và sau thu hoạch cũng chiếm khá cao gần 1/3 so với tổng chi phí (29.4%). Trong đó, chi phí thu hoạch còn rất cao (13.4%). Hiện tại (5/2009) ở tỉnh Hậu Giang được biết số máy gặt đập liên hợp (GĐLH) chỉ có khoảng trên 30 máy, chỉ hơn gấp đôi so với một xã như xã Phú Lợi (13 máy) của huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang, do điều kiện về đồng ruộng còn khó áp dụng máy GĐLH. Số lượng máy sấy lúa còn ít và giá thuê mướn còn cao. Tuy nhiên, nếu có chiến lược đồng bộ nhằm cơ giới hóa khâu thu hoạch và sau thu hoạch sẽ giải quyết được khó khăn này và việc áp dụng máy GĐLH ngày càng nhiều giúp hạ giá thành, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng chất lượng gạo xuất khẩu và giải quyết được việc thiếu lao động thu hoạch, giảm sự nặng nhọc và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Ngoài ra còn có khả năng tổ chức tốt việc thu mua lúa ngay sau khi thu hoạch của nông dân bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các dự án liên kết «4 nhà» cũng giúp cho việc giảm chi phí sau thu hoạch. Các khâu phơi, sấy, vận chuyển, làm sạch… thuộc về nhà thu mua với trang thiết bị hiện đại và đồng bộ sẽ giúp cho người nông dân hạn chế chi phí các khâu này và giảm hao hụt, tăng chất lượng gạo làm lợi cho đất nước và xã hội.