Hà Giang: Tư vấn phản biện - kế hoạch đột phá về ứng dụng KH&CN
Theo ý kiến của các Chuyên gia Hội đồng phản biện: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định: “Phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”, với 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm; trong đó “Đột phá về ứng dụng KH&CN vào sản xuất”. Quá trình triển khai thực hiện, ngày 20/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND về đột phá ứng dụng KH&CN vào sản xuất (Kế hoạch 120); trên cơ sở Kế hoạch 120, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã bắt tay ngay việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch đề ra; UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố của tỉnh lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để thực hiện đột phá về ứng dụng KH&CN vào sản xuất cho giai đoạn 2016-2020.
Cho đến nay, tỉnh Hà Giang đã thực hiện 19 đề tài, dự án cấp tỉnh về KHCN, 05 dự án thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi, 04 dự án thuộc Chương trình 68 và 13 nhiệm vụ thuộc Chương trình KHCN Tây Bắc. Toàn tỉnh đã có 67 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; trong đó thông qua hỗ trợ của Bộ KH&CN có 4 sản phẩm đặc sản của tỉnh đã được xây dựng Chỉ dẫn địa lý.
Hà Giang là một trong những tỉnh có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Kế hoạch 120 của tỉnh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi: Các nhiệm vụ đề ra còn dàn trải, chưa tập trung vào những sản phẩm, cây trồng, vật nuôi chủ lực mang tính đột phá, có tác động mạnh đến sản xuất, hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện, khả năng thực tiễn của địa phương, dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có để tạo ra các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu riêng của tỉnh Hà Giang.
Hội đồng TVPB cho rằng: một trong những nguyên nhân chủ yếu chưa đạt được hiệu quả là do cách tiếp cận của Ban chỉ đạo còn nặng về hình thức ban hành văn bản, chưa tập trung đề xuất và chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cụ thể mang tính đột phá, bản lề cho phát triển của tỉnh. Để gia tăng tính hiệu quả của quá trình thực hiện Kế hoạch 120 trong giai đoạn tiếp theo (2018-2020), Hội đồng TVPB kiến nghị với Ban chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Kế hoạch 120 theo một cách tiếp cận mới, đó là: Cần thiết phải xây dựng một “Đề án đột phá về ứng dụng KH&CN cho giai đoạn 2018-2020”. Đề án sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đầu tư phát triển chuỗi giá trị - giải pháp tập trung cho 03 cây (cam Sành Hà Giang, Chè San tuyết, Hồng không hạt) và 02 con (bò Vàng vùng cao, Mật ong bạc hà); đó là những sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, đứng vững trên thị trường, phát huy lợi thế đã có cho Hà Giang. Đặc biệt, để thực hiện được mục tiêu của Tỉnh: đến năm 2020, Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc; đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia” thì trong Đề án cần phải luận cứ được những giải pháp cụ thể từ khai thác nguồn lực đến sử dụng công nghệ thông tin, đến quản lý...
Để thực hiện được mục tiêu đó, Tỉnh cần tạo điều kiện và có chính sách thuận lợi để hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia các Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh; khuyến khích tư nhân đầu tư cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, Tỉnh cũng cần phải liên kết với các Trường đại học trong vùng, trong nước và quốc tế và các Quỹ khởi nghiệp quốc gia, thúc đẩy một số dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào một số sản phẩm chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và du lịch của tỉnh.