GSVS Đặng Vũ Minh thăm quan mô hình sản xuất của Công ty T&T 159
Ngày 3/10, GSVS Đặng Vũ Minh và các Hội ngành toàn quốc đã đến thăm Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (Công ty T&T 159).
Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Văn Thắng đã chia sẻ mô hình sản xuất
Với tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng, Công ty T&T 159 triển khai đầu tư khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình). Dự án gồm: Khu liên hợp sản xuất thức ăn gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh, công suất 200-210 tấn/ngày, công nghệ phối trộn (TMR) đã hoàn thành, đi vào hoạt động; trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt với quy mô 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò, trâu nuôi vỗ béo. Hiện tại đang nuôi 1.200 con trâu, bò sinh sản, 2.000 con trâu, bò, bê lấy thịt; nhà máy sản xuất đệm lót sinh học từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp, công suất 100 tấn/ngày và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi, công suất 25.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động ổn định.
GSVS Đặng Vũ Minh và các Hội ngành toàn quốc thăm qua mô hình sản xuất
Sản xuất, sử dụng đệm lót sinh học là bước đột phá trong chăn nuôi đại gia súc mà Công ty T&T 159 triển khai thực hiện thành công. Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Văn Thắng chia sẻ, những lợi ích của đệm lót sinh học nói riêng, chế phẩm sinh học nói chung trong ngành chăn nuôi giải quyết những vấn đề nan giải như: gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật, chi phí vệ sinh chuồng trại, chi phí xử lý chất thải… Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học là phương pháp đưa các vi sinh vật vào trong đệm lót để thực hiện quá trình lên men tiêu hủy hoàn toàn mùi hôi. Trong đó, nguyên liệu để làm đệm lót sinh học công ty đang thực hiện là phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cây ngô và chế phẩm men…). Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ đem lại hiệu quả cao khi đảm bảo được môi trường, giảm chi phí mà còn có tác động xã hội tích cực. Nếu theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi sẽ phải thu gom chất thải, rửa chuồng hàng ngày, sử dụng hầm biogas... mất nhiều thời gian, nhân công, việc xử lý môi trường cũng không triệt để. Sử dụng đệm lót sinh học, tự các vi sinh được cấy trong đệm lót sẽ phân giải mạnh, đồng hoá tốt các thành phần có trong chất thải động vật để chuyển hoá thành các chất vô hại, kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật có hại có trong nền chuồng nuôi. Chúng tôi không phải lo thu gom chất thải, rửa chuồng, xử lý môi trường thì đương nhiên sẽ giảm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, cũng không phải quá lo lắng cho việc mua thuốc phòng, chữa trị bệnh cho vật nuôi.
Sau khi trực tiếp tham quan dây chuyền hoạt động của công ty, GSVS Đặng Vũ Minh đánh giá cao mô hình, sử dụng đệm lót sinh học của Công ty và biểu dương quyết tâm của lãnh đạo công ty và cán bộ, công nhân viên đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trại nuôi bò, bê lấy thịt của Công ty T&T 159