GS. Ngô Bảo Châu: “Cần có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học”
- Trong những năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt ở nhiều lĩnh vực được coi là mũi nhọn. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục duy trì và phát triển đà phát triển đó, chúng ta cần phải dựa vào KH&CN. Một nền kinh tế không thể có bước đột phá nếu như không dựa vào “trụ cột” chính là KH&CN.
Có thể thấy, các nước phát triển trên thế giới hiện nay đều dựa vào KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo tôi, Nhà nước cần có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa để có thể thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đồng thời đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút thêm các dự án mới, doanh nghiệp, nhà đầu tư… có nhiều sáng tạo về KH&CN để đầu tư vào Việt Nam”.
Vậy chúng ta cần có những giải pháp nào để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài về nước để đóng góp cho sự phát triển quê hương, đặc biệt là lĩnh vực KH&CN, thưa ông?
- Từ nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế nói chung và hoạt động phát triển KH&CN nói riêng, chúng ta cần sự đóng góp của lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài hiện nay. Tôi cho rằng, nhiều nhà khoa học ở nước ngoài sẵn sàng đóng góp công sức trí lực của mình cho đất nước, quê hương nếu như Nhà nước có một chính sách cởi mở, tôn trọng, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà khoa học có một môi trường làm việc phù hợp để họ có cơ hội công hiến hết tài năng, tri thức của mình cho đất nước.
Đối với những chính sách và cơ chế thu hút nguồn nhân lực, chúng ta nên bắt đầu bằng các hoạt động, dự án cụ thể nhằm đem lại nhiều hơn các sản phẩm thiết thực cho cộng đồng xã hội, điều này mới thực sự quan trọng.
Dự án FIRST (Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu khoa học và công nghệ) được coi là một trong những dự án lớn nhất về KH&CN tính đến thời điểm này và được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tiến kịp với các nước khu vực, GS có thể chia sẻ quan điểm của mình về dự án này?
- Tôi tin tưởng, dự án sẽ thành công như mong đợi. Đã dấn thân vào nghiên cứu khoa học thì phải chấp nhận khó khăn thách thức, và đặc biệt cần thiết phải có sự phấn đấu bền bỉ. Bản thân tôi không phải bây giờ mới tham gia vào lĩnh vực này, mà cách đây gần 10 năm tôi đã bắt đầu nghiên cứu khoa học.
Tôi nhận thấy rằng, phần lớn người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài vẫn canh cánh một lòng với mong muốn đóng góp những kiến thức mà họ đã được học, được thực hành tại nước ngoài, khi trở về có cơ hội phục vụ đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, họ bị vấp phải không ít khó khăn, mà rào cản lớn nhất có lẽ là chính sách đãi ngộ và môi trường nghiên cứu cống hiến chưa thỏa đáng. Chúng ta đã bỏ phí một thời gian khá dài để có những thành quả đáng ra chúng ta đã có với một lực lượng nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài không phải nhỏ.
Cần có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa để có thể thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài nước. Ảnh: Ngũ Trần Bùi |
Thông qua dự án FIRST, tôi hy vọng những người có ước nguyện muốn được đóng góp tài năng và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước sẽ có cơ hội trở về làm việc và cống hiến cho Tổ quốc. Tuy nhiên, để đạt được thành công, chúng ta nên tập trung vào những lĩnh vực cụ thể, những lĩnh vực được coi là mũi nhọn, có thế mạnh của Việt Nam. Đây có thể coi là một “ngọn lửa” đầu tiên nhen nhóm những hy vọng cho ngành KH&CN có cơ hội phát triển.
Hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải coi đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của chính mình, vậy làm thể nào để khuyến khích các doanh nghiệp có nhiều hơn nữa các giải pháp đổi mới sáng tạo thông qua dự án FIRST, thưa GS?
- Có thể nói, FIRST là một dự án lớn. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số doanh nghiệp có xu hướng triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN. Nhưng, tính đến nay có rất ít doanh nghiệp làm được điều này. Theo tôi, ở đây đang có sự thiếu hụt lòng tin giữa nhà khoa học - doanh nghiệp và ngược lại, với mong muốn đưa ra được những sản phẩm có tính thực tế, được cộng đồng xã hội chấp nhận.
Dự án FIRST là chất xúc tác đầu tiên để làm thỏa mãn điều đó, đây chính là cơ hội để có thể tập hợp những con người, những nhà khoa học, nhà quản lý khoa học tâm huyết và có cùng chí hướng với nhau lại, cùng đưa ra một ý kiến mang tính thực tiễn cao, có mục đích cụ thể,…
Trong quá trình triển khai, với những nỗ lực ban đầu, sản phẩm có thể chưa định hình, điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho người đứng đầu trong công tác nghiên cứu. Chính giai đoạn này, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm tạo điều kiện động viên, khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm có chất lượng, thiết thực, thay vì làm ra những sản phẩm không phải do nhu cầu thực sự của cuộc sống trước đây.
Tôi tin rằng, cùng với sự hỗ trợ của Dự án FIRST cũng như sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước vào các chương trình đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm thiết thực cho đời sống xã hội trong tương lai cũng như tạo động lực phát triển mang tính bền vững cho chính doanh nghiệp đó.