Góp ý Dự thảo Nghị định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Ngày 24/4/2020, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và ThS. Nguyễn Quyết Chiến - Trưởng ban Tổ chức và Chính sách Hội, Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Ông Đặng Đình Luyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan soạn thảo Nghị định này trình Chính phủ xem xét thông qua và cho rằng việc sớm ban hành Nghị định này là rất cần thiết nhằm góp phần bảo đảm thi hành Bộ Luật lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo Ông Luyến, Cơ quan soạn thảo nên tiếp tục rà soát Bộ Luật lao động năm 2019 để xem có những điều khoản nào về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, mà Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết thì nghiên cứu quy định chi tiết để thực hiện. Các điều khoản quy định chi tiết cần phải thống nhất, phù hợp, không được chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với các quy định của Bộ Luật Lao động. Còn những điều khoản nào mà Quốc hội không giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì không quy định để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Về vấn đề quy định thời giờ làm việc trong tuần của người lao động, Ông Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động cho rằng, số giờ làm việc của Việt Nam hiện nay cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới (48 giờ/tuần). Trong khi đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước (Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ).
Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Trong nhiều năm, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động. Vì thế, dự thảo Nghị định nên có điều khoản hướng dẫn doanh nghiệp có các khu vực được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại IV, loại V) giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần”xuống “44 giờ trong một tuần” hoặc “ 40 giờ trong một tuần”.
Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đã phát biểu sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp chi tiết, cụ thể và tâm huyết nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ. Các ý kiến hầu như đều thống nhất quan điểm một số nội dung hướng dẫn của Nghị định chưa thực sự rõ, một số điểm trong dự thảo Nghị định còn mơ hồ hơn Luật ,cần điều chỉnh lại để Nghị định dễ dàng áp dụng vào cuộc sống.
Bế mạc tọa đàm, TS. Phan Tùng Mậu cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đã dành thời gian nghiên cứu và góp ý cho Dự thảo Nghị định. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp đó, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp và soạn văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và tiếp thu.
Tác giả tin: Lê Thủy