Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 13/04/2017 23:44 (GMT+7)

Góp ý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Đức Tiến cho biết, dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) được lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo Luật với 6 Chương 59 Điều bao quát tất cả các vấn đề đặt ra như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN; Công tác thẩm định CN dự án đầu tư; Phát triển thị trường khoa học và CN; Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển CN; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới CN; Chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển giao CN. 

Các nhóm vấn đề chính gồm: Chính sách của Nhà nước về CGCN; Đối tượng CGCN; Thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư (Chương II); Đăng ký CGCN; Các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ; Quản lý nhà nước với hoạt động CGCN. 

Góp ý cho dự thảo, PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng về tổng thể dự thảo Luật đã được chỉnh sửa khá tốt, có tiến bộ rõ rệt so với bản dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, nêu được chủ trương, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh CGCN, hạn chế, ngăn chặn thiết bị lạc hậu tràn vào Việt Nam… Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong dự thảo còn chung chung, thiếu rõ ràng, cụ thể và thiếu tính quyết liệt, mạnh mẽ nên phải giao lại cho chính phủ hướng dẫn thi hành. Chẳng hạn như điều 33 về khuyến khích phát triển thị trường khoa học và công nghệ chưa rõ Nhà nước sẽ tập trung làm cái gì, cái gì phải khuyến khích các tổ chức, cá nhân và biện pháp ưu đãi, khuyến khích ra sao. “Trong dự thảo Luật hiện có 9 chỗ giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành thì quá nhiều” – ông Năng nhấn mạnh.

Về tiêu đề của Điều 33, TS Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, cho rằng nên đặt lại là “Khuyến khích phát triển thị trường công nghệ” thay vì “Khuyến khích phát triển thị trường khoa học và công nghệ” cho phù hợp với tên và tính chất của dự thảo Luật.

Ông Hùng cũng như các đại biểu khác đã có nhiều ý kiến về vấn đề thẩm định công nghệ. Theo ông Hùng, dự thảo Luật còn thiếu nội dung quan trọng là quy định về cơ cấu hội đồng thẩm định và tiêu chuẩn các thành viên hội đồng. Nếu không quy định cụ thể thì hội đồng này chỉ mang tính hình thức , nhất là các hội đồng cấp tỉnh, đồng thời khó quy trách nhiệm cá nhân của thành viên hội đồng. “Mặt khác, do đội ngũ chuyên gia công nghệ của nước ta còn thiếu, khả năng cập nhật các công nghệ mới còn hạn chế, nên cần quy định cho phép thuê chuyên gia quốc tế tham gia hội đồng thẩm định trong trường hợp cần thiết” – ông Hùng bổ sung.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng cần phân biệt rõ khái niệm thẩm định và đánh giá công nghệ. Hội đồng thẩm định phải dựa vào đánh giá của tư vấn chuyên nghiệp vì đánh giá là một bộ phận của thẩm định, do đó phải chỉ rõ nguồn kinh phí để thuê tư vấn đánh giá. Ông Liêm nhận xét dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến vấn đề CGCN theo chiều ngang, giữa bên có và bên cần, còn thiếu CGCN theo chiều dọc, giữa bên có ý tưởng với bên triển khai hiện thực hóa ý tưởng đó thành công nghệ. Hơn nữa, nội dung dự thảo Luật thiên về bảo vệ quyền lợi bên CGCN chứ chưa quan tâm đến bên được CGCN.

Nhìn nhận dự thảo Luật ở tầm vĩ mô, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, cho rằng Ban soạn thảo cần đặt ra mục tiêu cụ thể khi xây dựng Luật. Theo ông Tăng, Luật cần phục vụ cho Chiến lược phát triển công nghệ của quốc gia, do có cần có quy định ưu tiên CGCN gì, ở ngành nào, nêu rõ phát triển CN là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước nên tập trung phát triển CN cao, CN sạch, CN quốc phòng, an ninh; ưu tiên phát triển CN cao, loại bỏ CN lạc hậu, CN gây ô nhiễm…

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện được CGCN trong bối cảnh mới là thế giới đang bước vào cuộc cách mạng CN lần thứ 4 (CN số hay CN 4.0) và Việt Nam đang khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ.

Ngoài những điểm chính trên, các đại biểu dự hội thảo đã có những ý kiến đóng góp cụ thể vào từng nội dung dự thảo Luật. Họ đều mong muốn Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển CN của Việt Nam.

Kết luận hội thảo, TS Phan Tùng Mậu thay mặt Ban tổ chức cám ơn các đại biểu đã nhiệt tình phát biểu ý kiến và cho biết Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

CGCN2

TS Trần Việt Hùng: “Dự thảo Luật còn thiếu nội dung quan trọng là quy định về cơ cấu hội đồng thẩm định và tiêu chuẩn các thành viên hội đồng”.

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới