Góp ý dự thảo Đề án: “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo, chuyên viên: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở: Khoa học và công nghệ; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng và các thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Đề án.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao bản Báo cáo tổng hợp đóng góp ý kiến dự thảo Đề án do Liên hiệp Hội thực hiện. Bản báo cáo đã được xây dựng nghiêm túc, chất lượng, đầy đủ, rõ ràng, chi tiết và phản ánh một cách trung thực, khách quan dựa trên các ý kiến đóng góp của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu tình hình hoạt động khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình. Bản báo cáo đã phân tích, chỉ ra những vấn đề đạt được, những vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung của bản dự thảo Đề án. Trên cơ sở đó đề xuất, đóng góp ý kiến giúp cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hội đồng phản biện và các đại biểu cũng chỉ ra dự thảo Đề án còn một số tồn tại, hạn chế cần bổ sung như:
Đề án cần nêu khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình để thấy được những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, khí hậu, văn hóa của tỉnh. Điều này rất quan trọng vì đó là cơ sở khoa học để xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án; Cần bổ sung thêm đánh giá tổng quát đóng góp của khoa học và công nghệ tỉnh ta trong 10 năm qua, trước khi nêu các hạn chế. Ví dụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp: Khoa học và Công nghệ đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến; tập trung đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế như cây ăn quả (cam, bưởi, nhãn, vải,…), cây công nghiệp (mía tím, mía đường, chè san tuyết), cây thực phẩm, rừng nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc, lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng ngành nông, lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình, giá trị sản lượng tăng bình quân hàng năm đạt từ 4,5-5%. Đây là một thành công rất lớn của khoa học và công nghệ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất; Cần đi sâu vào dự báo nhu cầu khoa học và công nghệ nói chung, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp, nông thôn mới, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, phúc lợi xã hội, lĩnh vực xã hội và nhân văn, khoa học quản lý và bảo vệ môi trường, …
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao các ý kiến, đề xuất giải pháp của Hội đồng phản biện cho bản dự thảo Đề án. Mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, đề xuất về phương án, biện pháp triển khai cụ thể hơn nữa để cơ quan soạn thảo có thêm cơ sở tiếp tục nghiên cứu và bổ sung vào bản dự thảo Đề án.
Bên cạnh đó các đại biểu dự Hội thảo cũng đánh giá cao vai trò, nhiệm vụ của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội trong thời gian qua và đề nghị Liên hiệp Hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tập hợp các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài tỉnh để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội ngày càng đạt hiệu quả cao.
Phát biểu bế mạc, ông Trần Bảo Toàn tóm tắt nội dung buổi Hội thảo và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện bản dự thảo Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.