Góp ý Dự thảo Đề án đánh giá về tổ chức hoạt động hội
Ngày 23/3 tại Hà Nội, Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Góp ý Dự thảo Đề án đánh giá về tổ chức hoạt động hội của Bộ Nội vụ”. Khách mời của buổi tọa đàm là các nhà khoa học trong hệ thống hội của LHHVN, dưới sự chủ trì của PCT kiêm TTK LHHVN Phạm Văn Tân, và PCT LHHVN Phan Tùng Mậu.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng một số đánh giá về hạn chế trong công tác hoạt động hội theo dự thảo Đề án chưa có tính thuyết phục, vì nội dung và phương thức hoạt động là vấn đề tự quyết của hội, được quy định theo điều lệ của hội. Hội hoạt động với nội dung gì và phương thức nào là quyền của mỗi hội. Hội hoạt động tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí thì cơ quan nhà nước không có căn cứ để yêu cầu hội phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nếu hội hoạt động đúng điều lệ và tuân thủ pháp luật.
Thực tế chỉ có 31 hội đặc thù, trong đó có 16 tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trên tổng số 530 tổ chức hội hoạt động trên phạm vi cả nước đang sử dụng nguồn kinh phí nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Hơn nữa, trong dự thảo Đề án đưa ra số liệu trong 5 năm (2014-2018) ngân sách nhà nước cấp cho các hội đặc thù là khoảng 3.260 tỷ đồng, trong khi đó chỉ tính 159 hội (không tính các hội đặc thù) trong 5 năm đó đã huy động từ các nguồn ngoài ngân sách là 17.994,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy trừ các hội đặc thù được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, các hội khác tự huy động nguồn kinh phí từ xã hội để hoạt động chứ không có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngân sách Nhà nước như dự thảo Đề án đã nêu…
Ông Nguyễn Quyết Chiến - Trưởng ban Tổ chức và Chính sách Hội LHHVN tổng hợp những ý kiến đóng góp cho Đề án
Trong phần kết quả đạt được, dự thảo Đề án chủ yếu mô tả lại các đầu việc/hoạt động cụ thể của các hội mà chưa có đánh giá sâu về hiệu quả hoạt động mà các hội đạt được, chưa làm rõ vai trò và đóng góp nổi bật của các hội; một số số liệu đưa ra ở phần thực trạng chưa có dẫn nguồn cụ thể.
Nhiều phần mục khác nhau của Đề án có nội dung trùng lặp nên cần rà soát, chỉnh sửa, diễn đạt lại cho phù hợp hoặc có thể gộp phần hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm lại, không nên nhắc lại nhiều lần cùng một nội dung.
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của hội sau cấp phép, Đề án cần xem lại việc trình bày các nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phương hướng, nhiệm vụ vì đây không phải là “phạm vi, đối tượng nghiên cứu của Đề án này”.
Ông Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ phát biểu
Đề án cũng cần đặc biệt xem xét loại hình tổ chức hội do Đảng, Nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; xác định rõ chính sách, chế độ đối với người đang làm việc tại các hội này.
Đề án phải cụ thể hóa cơ chế, chính sách Nhà nước chuyển giao các dịch vụ công mà nhà nước không nhất thiết phải làm cho các hội đủ năng lực thực hiện để các hội bảo đảm nguyên tắc tự chủ, đồng thời góp phần tinh giản biên chế, bộ máy hành chính quản lý nhà nước bớt cồng kềnh và giảm kinh phí chi hành chính như hiện nay…
Kết thúc tọa đàm, các đại biểu tham dự tọa đàm đều nhất trí kiến nghị với Ban soạn thảo của Đề án đánh giá về tổ chức hoạt động hội của Bộ Nội vụ cần có đánh giá đầy đủ, nghiêm túc việc chậm ban hành Luật về hội, chậm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng đối với tổ chức và hoạt động hội - một trong những nguyên nhân chính gây ra rất nhiều bất cập trong quản lý hội. Thống kê đầy đủ hơn các văn bản của Đảng và Nhà nước về hội, thống nhất và giải thích các thuật ngữ về hội, xác định rõ đối tượng hội cần nghiên cứu trong Đề án này.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Đình Minh phát biểu
Ban soạn thảo phải nghiên cứu, phân tích sâu kết quả hoạt động và những đóng góp quan trọng của các hội đối với tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tham gia hội nhập quốc tế của từng nhóm hội, kèm theo những số liệu, bằng chứng minh chứng cho các nhận định trong Đề án. Bổ sung nội dung đánh giá về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương về quản lý hoạt động hội, nhất là trách nhiệm về lộ trình cụ thể chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm để các hội tham gia hiệu quả công tác xã hội hóa và thực hiện các dịch vụ công, đồng thời tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hội. Bổ sung đánh giá tác động của Đề án bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực khi triển khai thực hiện Đề án, để định hướng giải quyết những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.
Ban soạn thảo nên tham mưu theo hướng cần ban hành chính sách, quy định pháp luật thống nhất đối với các tổ chức (hội) chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức có đảng đoàn do Đảng, Nhà nước thành lập mà Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và hoạt động trong những năm qua để giải quyết thấu đáo, dứt điểm các nút thắt mà từ trước tới nay các hội đang gặp phải…
PV.