Giới thiệu một số nội dung mới của Luật Thanh niên năm 2020
Luật Thanh niên 2020 có nhiều đổi mới (so với luật được ban hành năm 2005) nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam trong tình hình mới. Vậy làm thế nào để luật mới sớm đi vào cuộc sống, phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam?
Ông Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
Ngày 3/11/2020, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Một số điểm mới của Luật Thanh niên sửa đổi năm 2020.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, việc chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó việc ban hành Luật Thanh niên 2020 có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc, hướng tới các mục tiêu phát triển toàn diện đối với thanh niên Việt Nam đặc biệt là trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Và để việc triển khai thực hiện có hiệu quả luật này, cần có sự tập trung, tích cực tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
Ông Doãn Đức Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ)
Ông Doãn Đức Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho hay luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện luật Thanh niên năm 2005. Luật có 7 chương, 41 điều, quy định rất cụ thể vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của nhà nước đối với thanh niên; Tháng Thanh niên và trách nhiệm đối thoại với thanh niên; chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Đặc biệt, luật mới sửa đổi quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ cụ thể. Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm và từng giai đoạn.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến rằng, Luật Thanh niên thực sự có hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan nhanh chóng hướng dẫn triển khai thực hiện luật. Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND tăng cường giám sát Luật Thanh niên.
Và một số ý kiến cũng cho rằng, cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra một môi trường thuận lợi và các cơ chế linh hoạt cho phép thanh niên tham gia, đặc biệt trong việc đưa Luật Thanh niên trở thành các hành động cụ thể; có các diễn đàn thân thiện với thanh niên để khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương tham gia đối thoại thường xuyên với các lãnh đạo nhà nước và các nhà hoạch định chính sách về nhu cầu và mối quan tâm của họ, đặc biệt là trong bối cảnh Mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tin, ảnh: HT