Giới thiệu Hội đồng Khoa học Quốc tế
Hội đồng Khoa học Quốc tế (ISC) được thành lập vào năm 2018 từ sự hợp nhất của Hội đồng Khoa học Quốc tế (ICSU, thành lập năm 1931) và Hội đồng Khoa học Xã hội Quốc tế (ISSC, thành lập năm 1952).
ISC là một tổ chức phi chính phủ duy nhất với các tổ chức thành viên trên toàn cầu, tập hợp 40 Liên đoàn và Hiệp hội khoa học quốc tế và hơn 140 tổ chức khoa học quốc gia và khu vực bao gồm các Học viện và Hội đồng Nghiên cứu.
Các tổ chức thành viên tạo nên nền tảng cho hoạt động của Hội đồng. Thông qua các hoạt động, Hội đồng hướng tới tạo cơ hội cho các tổ chức thành viên tham gia các cuộc thảo luận và hoạt động khoa học quan trọng, thể hiện những đóng góp về mặt khoa học của các tổ chức thành viên ở cấp độ quốc tế, đồng thời kết nối với nhau và với các mạng lưới có ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là thành viên của ISC từ năm 1963. VUSTA khi đó là Hội Phổ biến Tri thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được thành lập năm 1963, nhằm huy động các nhà khoa học, trí thức khoa học và kỹ thuật thực hiện công tác phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho công chúng.
ISC có trụ sở chính tại Paris, văn phòng chính có trách nhiệm đảm bảo việc lập kế hoạch và hoạt động hàng ngày dưới sự điều hành của Ban quản trị, bộ phận được lập ra bằng cách bầu chọn. ISC có các Văn phòng khu vực với ban thư ký riêng, sử dụng nhân sự tại địa phương. ISC có ba Văn phòng khu vực - Châu Phi (thành lập năm 2005), Châu Á và Thái Bình Dương (2006), Châu Mỹ Latinh và Caribe (2007). Dưới sự điều hành của các ủy ban khoa học khu vực, các văn phòng có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển và tăng cường hơn nữa ngành khoa học mà khu vực đó dành ưu tiên, và đưa khoa học của các nước đang phát triển đến gần ISC hơn. Ngoài ra, các văn phòng này làm việc để huy động các nhà khoa học từ khu vực tham gia vào các hoạt động của ISC, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên của khu vực.
Tầm nhìn của ISC là đưa khoa học thành một lợi ích chung toàn cầu. Kiến thức khoa học, dữ liệu và kiến thức chuyên môn phải được dễ dàng tiếp cận trên toàn cầu và lợi ích của nó được chia sẻ rộng rãi. Thực hành khoa học phải mang tính bao trùm và bình đẳng, đồng thời tạo cơ hội cho giáo dục khoa học và phát triển năng lực.
Nhiệm vụ của ISC là đóng vai trò là tiếng nói toàn cầu của giới khoa học, đề cao giá trị của việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và cơ sở khoa học; Khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu khoa học quốc tế và học bổng về các vấn đề lớn được toàn cầu quan tâm; Thúc đẩy sự tiến bộ liên tục và bình đẳng, chính trực, sáng tạo và phù hợp của khoa học ở mọi nơi trên thế giới; và Bảo vệ việc thực hành khoa học tự do và có trách nhiệm.
Hội đồng tập hợp chuyên môn khoa học và các nguồn lực cần thiết để dẫn dắt xúc tiến, ươm tạo và điều phối hành động quốc tế có tác động đối với các vấn đề có tầm quan trọng về mặt khoa học và công chúng. Với một loạt các chương trình, mạng lưới và ủy ban nghiên cứu quốc tế được đồng tài trợ, các hoạt động của Hội đồng bao gồm một loạt các vấn đề, từ tính bền vững toàn cầu, nghèo đói, sức khỏe đô thị, phúc lợi người dân và giảm thiểu rủi ro thiên tai đến dữ liệu, hệ thống quan sát và tư vấn khoa học cho các chính phủ.
Ban Hợp tác Quốc tế