Giờ trái đất có “giết” trái đất?
Ra đời từ năm 2007 tại Sydney, Giờ trái đất đang trở thành chiến dịch toàn cầu với sự tham gia của hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới với mục đích chung tay giải quyết những vấn đề liên quan đến năng lượng, biến đổi khí hậu và giáo dục người dân ý thức tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.
Mang giá trị nhân văn cao cả nhưng liệu Giờ trái đất có thật sự góp phần giảm lượng khí thải khi người dân tắt đèn và chuyển sang thắp nến? Liệu Giờ trái đất có thực sự góp phần tiết kiệm năng lượng khi người dân chỉ… theo trào lưu tắt đèn vào lúc 20 giờ 30 thứ bảy trong tuần cuối cùng của tháng 3 hằng năm và hoàn toàn lãng quên ý nghĩa của việc tiết kiệm điện trong 23 giờ còn lại của ngày cũng như trong 8.000 giờ còn lại của năm?
Theo TS Phùng Toàn, giảng viên khoa năng lượng học Trường ĐH New South Wales (Úc), các nhà máy điện thường mất nhiều giờ, thậm chí nửa ngày để có thể khởi động toàn bộ hệ thống phát điện. Quá trình này tiêu tốn nhiều năng lượng đến mức hầu hết các nhà máy đều chấp nhận để hệ thống phát điện tiếp tục hoạt động trong “Giờ tắt đèn” mặc cho nhu cầu sử dụng điện lúc này giảm đột ngột. Điện năng lại là một hàng hóa đặc biệt, nếu không sử dụng thì nó sẽ mất đi chứ không thể lưu trữ, gìn giữ, bảo quản như tất cả những hàng hóa khác. Do đó, trong thực tế, thế giới vẫn lãng phí điện trong giờ tắt đèn thường niên này.
Giờ trái đất gắn liền với việc thắp nến, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết thành phố trên thế giới, người dân ở mọi độ tuổi đổ ra đường với cây nến trên tay. Thậm chí, có nơi, hàng trăm, hàng ngàn cây nến được thắp sáng để tạo hiệu ứng lung linh nhằm chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nến lại là sản phẩm làm tăng lượng khí CO2 - nguyên nhân chính của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu - cao hơn khai thác điện năng khoảng 100 lần.
Theo ông Phùng Toàn, hơn 1,3 tỷ cây nến đã được thắp vào Giờ trái đất 2013. Số lượng khí thải từ 1,3 tỷ cây nến này cao hơn việc khai thác điện để thắp sáng toàn bộ bóng đèn trên toàn thế giới trong vòng nhiều giờ. Bên cạnh đó, việc người người, nhà nhà ra đường để hưởng ứng Giờ trái đất đã vô tình làm tăng lượng khí thải từ xe gắn máy, ô-tô, tăng số lượng lớn xăng dầu tiêu thụ cũng như số lượng rác thải ra môi trường. Tất cả những điều này không chỉ làm cho bài toán năng lượng càng trở nên bức bối, mà còn dần dần “giết” trái đất và đi ngược lại mong muốn của hầu hết các nhà hoạt động môi trường.
Một thực tế khác không thể phủ nhận là bóng đèn - sản phẩm duy nhất được các hộ gia đình tắt trong Giờ trái đất - là vật dụng tiêu thụ ít điện năng nhất. Bóng đèn tắt đi nhưng “thủ phạm” thực sự ngốn điện năng như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... vẫn hoạt động đều đặn và tạo nên cảm giác cho người tham gia Giờ trái đất là mình đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, để rồi không ít người lại vô tư lãng phí điện khi thời khắc thường niên này trôi qua.
Hưởng ứng Giờ trái đất, hàng loạt công ty truyền thông, điện lực trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang gấp rút thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hàng loạt thư kêu gọi được chia sẻ trên mạng Facebook, các dòng tweet, các đoạn băng video, các hòm thư điện tử, các băng-rôn, các tin nhắn của nhà mạng… Tất cả nhằm thu hút sự chú ý quan tâm hưởng ứng của đông đảo người dân và góp phần làm nên mùa thành công mới cho Giờ trái đất. Tuy nhiên, tổ chức đo đạc năng lượng của chính phủ Pháp, ADEME, lại đưa ra con số đáng suy ngẫm, bởi chỉ riêng những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội nhằm kêu gọi cho giờ tắt đèn năm 2010 đã thải ra đến 13,6 tấn CO2 vào môi trường.
Biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất, cạn kiệt nguồn năng lượng là bài toán toàn cầu. Không thể phủ nhận Giờ trái đất là chương trình vì môi trường hiệu quả nhất tính đến thời điểm hiện nay bởi nó kết nối được người dân trên toàn thế giới cùng tham gia với mục tiêu giúp trái đất thêm xanh. Tuy nhiên, qua những phân tích trên, có thể thấy Giờ trái đất - cùng những chương trình quảng cáo, kêu gọi rầm rộ với chu kỳ một tháng trong năm để rồi rơi vào quên lãng cho đến… tháng 3 năm sau - chắc chắn không phải là lời giải cho bài toán năng lượng và môi trường.
Việc tắt đèn trong một giờ cùng lời tự nhủ “mình đang đóng góp rất hiệu quả vào việc tiết kiệm năng lượng” và ngay lập tức quên đi thông điệp của Giờ trái đất để tiếp tục sử dụng điện lãng phí trong tất cả những giờ còn lại của năm hoàn toàn không phải là mục tiêu của những nhà hoạt động môi trường và mục đích ban đầu của chiến dịch Giờ trái đất.
Chỉ bằng những việc đơn giản như không xả rác bừa bãi (đặc biệt túi ni-lông), không in quá nhiều bảng hiệu băng-rôn, tắt máy điều hòa khi thời tiết không quá nóng, giảm lưu lượng giao thông bằng các phương tiện cá nhân, không thắp nến theo trào lưu số đông và suy nghĩ nghiêm túc về những biến đổi ngày càng khắc nghiệt của tự nhiên, chứ không phải những sự kêu gọi rầm rộ hằng năm, mới có thể giúp Giờ trái đất trở về đúng với ý nghĩa ban đầu của nó.
Ý nghĩa của Giờ trái đất không chỉ dừng lại ở con số triệu kW điện tiết kiệm được trong giờ tắt đèn hằng năm, không nằm ở bảng báo cáo thành tích đáng tự hào của từng quốc gia, từng địa phương, bởi thực tế chỉ trong 1 giờ tắt đèn, trái đất phải gánh chịu những tổn thất nặng nề cả về tài nguyên lẫn môi trường.
Phương Liên (tổng hợp)
Báo Xây dựng