Giáo sư Chu Hảo: “Đi buôn cũng danh giá như làm khoa học!”
* “Dính” vào lĩnh vực “thông kim bác cổ” này, lại là dân “ngoại đạo”, ông có thấy mình đang… phiêu lưu không?
- Đúng vậy, tôi đang rất lo… Nhưng, một dân tộc không có một tủ sách tiếng Việt để truyền tải tinh hoa nhân loại sẽ là thiếu hụt lớn không chỉ một thế hệ mà còn hàng chục thế hệ… Một dân tộc chỉ có thể tự lực tự cường khi biết thu nạp những gì là tinh hoa nhất của nhân loại nhằm phục vụ cho sự phát triển của mình. Khi nhìn nhận lại lịch sử, tôi kinh ngạc khi thấy nhiều tác phẩm lớn của phương Tây đã được người Nhật dịch từ rất sớm (giai đoạn Minh Trị 1870 – 1885). Tiếp đó, trong khoảng năm 1902 – 1907, người Trung Quốc cũng tiến hành những bước đi tương tự trong quá trình canh tân đất nước. Như vậy, về mặt này, ta đã đi chậm sau Nhật Bản 120 năm, sau Trung Quốc cả một thế kỷ! Hơn nữa, việc dịch và xuất bản Tủ sách tinh hoa tri thức này không phải chỉ là nhu cầu và mong muốn của cá nhân tôi mà đã được sự ủng hộ của đông đảo trí thức Việt Nam trong, ngoài nước. Nếu dự án làm chậm đi 5-6 năm nữa thì lớp dịch giả ưu tú của chúng ta sẽ không còn đủ sức khoẻ để thực hiện. Trong khi đó, lớp trẻ có thể rất giỏi ngoại ngữ nhưng lại chưa đủ phông văn hoá. Thà muộn còn hơn không!
* Nhưng vì sao phải dừng lại ở con số 500 – 1.000 tác phẩm kinh điển (mà trên thực tế có thể ít hoặc nhiều hơn). Nếu không có một bộ óc đủ tầm bao quát thì rất dễ bị “ngợp” mà không lọc ra được những gì thật sự là tinh tuý?
- Theo hiểu biết của tôi, tính riêng mảng khoa học xã hội, triết học và nhân văn thì trí tuệ Đông Tây kim cổ, về cơ bản, có thể gói gọn trong khoảng 500 đầu sách quan trọng nhất! Chúng tôi đã tham khảo danh mục này theo nhiều cách: từ đề xuất của các nhà khoa học cho từng chuyên ngành hoặc tham khảo tư liệu, từ các học giả và nhà thư viện học của thế giới như 500 cuốn sách để đọc suốt đờicủa Philip Ward (1838 - ?)… Tuy nhiên, danh mục này chỉ bao gồm những trước tác đóng vai trò quan trọng trong việc định hình diện mạo tinh thần nhân loại. Việc dịch hệ thống các công trình thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thaajt, công nghệ chuyên ngành, cũng như các tác phẩm văn học nghệ thuật, tuy có tầm quan trọng không kém, thì sẽ được đề cập ở một dự án khác.
Thời gian 7-10 năm cũng là con số ước lượng. Trên thực tế, nó có thể dài hơn hoặc ngắn hơn, tuỳ thuộc khả năng của giới dịch giả và việc Ban quản trị Dự án có khả năng tổ chức, tập hợp và điều phối hoạt động hay không.
* Ở ta, cho đến nay còn rất nhiều tác gia mà trước tác của họ có thể coi là nền tảng của hệ thống tư tưởng, văn minh phương Tây và thế giới vẫn chưa dịch được. Tất nhiên chuyện này có nhiều nguyên nhân nếu không muốn nói thẳng ra là đội ngũ dịch giả của mình “làng nhàng”, kể cả những dịch giả hàng đầu cũng phải thừa nhận dịch không sai mới là… lạ.
- Dịch thuật là việc khó nhất đấy. Tôi đang rất lo. Mà cũng không phải mình tôi lo, cả làng đều lo đấy thôi. Nhưng nếu sợ thì không biết bao giờ mới bắt đầu được!
* Nhưng đội ngũ biên tập viên của ông hiện tại chỉ có 3 người? Vậy ai sẽ thẩm định các bản dịch, thưa ông, nếu làm ẩu thì sẽ “sai lung tung” hết cả và con cháu chúng ta có thể phải mất hàng mấy thế hệ để giải quyết hậu quả?
- Đấy là những người tổ chức biên tập. Chúng tôi có Hội đồng khoa học và chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Mỗi chuyên gia, học giả có nhiệm kỳ 2 năm. Hết nhiệm kỳ, căn cứ vào kết quả làm việc mà được bầu hoặc chỉ định tiếp.
* Vậy, mục đích thương mại được ông tính đến bao nhiêu % trong dự án này?
- Nếu văn hoá đọc được nâng cao hơn nữa thì may ra chúng tôi mới… kinh doanh được. Mình phải so sánh thế này: Cuốn Bàn về tự docủa John Stuart Mill (1806 – 1873) được các học giả phương Tây coi là tác phẩm kinh điển (từng được dịch ở Nhật bản từ năm 1871 với hàng triệu bản cho khoảng hơn 30 triệu dân) nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên, in được cho 1.000 trí thức Việt đã là quý lắm rồi. Tất nhiên tôi cũng không phản bác chuyện làm giàu về xét cơ khía cạnh nào đó, anh làm khoa học cũng không danh giá gì hơn anh đi buôn…
* Ông vừa nói “làm khoa học thì không mơ ước làm giàu”. Thế cái gọi là “kinh tế tri thức” mà chúng ta vẫn bàn thảo sôi nổi ở các hội nghị, trên các diễn đàn… thì sao?
- Đừng nói chuyện hội nhập khi ta chưa học được những điều tinh tuý của tất cả các dân tộc văn minh, tiên tiến, đúng như lời dạy của Engels…
* Người ta bảo ông nghỉ Thứ trưởng thì “hạ cánh an toàn” xuống NXB để lấy “cái tên”…
- Tôi không cần cái tên. Đấy, ở Việt Nam mình, chẳng mấy khi người ta tin vào sự chân thành mà không tự đặt câu hỏi nghi hoặc…
* Còn dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc của ông?
- Tôi bàn giao lại rồi. Tất cả những gì tôi muốn làm bây giờ là xây dựng Tủ sách tinh hoa tri thức.
* Nhưng nói ông đừng tự ái, ông cũng đã qua tuổi nghỉ hưu, vài năm nữa cũng sẽ thôi làm Giám đốc NXB?
- Tôi cũng đang tìm người kế nhiệm đây. Phải tìm được người cùng đường hướng và cần xác định rõ ràng đây không phải là chuyện đi buôn…
Nguồn: Thể thao và Văn hoá, số 141(1755), ngày 24/12/2005.