Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Nhưng thực tế cho thấy, người dân chưa được hưởng lợi ích kinh tế từ việc quản lý bảo vệ rừng như họ mong đợi, bởi phần lớn rừng giao cho cộng đồng thuộc loại nghèo kiệt, nên nguồn thu từ rừng chẳng có gì ngoài một ít song mây, lá nón, tre nứa. Họ vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các dịch vụ môi trường do rừng của họ mang lại, ông Phạm Ngọc Dũng – Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về quy định, chủ trương, chính sách của Nhà nước về rừng như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai, Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hưởng lợi… rất hạn chế, làm cho họ lúng túng và thụ động trong việc thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của mình đối với rừng được giao.
Cộng đồng sống ven rừng tự nhiên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nên vấn đề để truyền đạt, hướng dẫn, giải thích các chính sách chưa hiệu quả, vì bất đồng ngôn ngữ. Chính vì vậy, các ngành cần quan tâm và lưu ý trong tổ chức thực hiện chính sách giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý.
Theo ông Dũng cho biết, hiện nay vấn đề giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý đang còn gặp rất nhiều bất cập, đó là Bộ Luật Dân sự hiện hành chưa quy định cộng đồng là một chủ thể pháp luật, do vậy nếu có xảy ra vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng rừng thì sẽ khó xử lý, bởi không thể xác định được ai là người chịu trách nhiệm chính và cách xử lý như thế nào.
Ngoài ra, hiện có khá nhiều các văn bản liên quan đến quản lý rừng cộng đồng, tuy nhiên nội dung của một số văn bản còn chung chung, thiếu thực tiễn, hoặc chồng chéo nhau cầu được thể chế hóa cụ thể hơn mới có thể áp dụng thuận lợi, hiệu quả hơn. Ví dụ như Quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp đã tạo động lực chính cho hộ gia đình, cộng đồng tham gia mạnh mẽ vào công tác nhận rừng tự nhiên. Đáng tiếc là trên thực tế rất khó thực hiện đầy đủ cơ chế hưởng lợi theo Quyết định này.
Tiếp đến là nhiều khu rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý không được điều tra đánh giá cụ thể, chính xác hiện trạng tài nguyên rừng mà chủ yếu sử dụng số liệu hiện trạng do cơ quan kiểm lâm công bố, nên rất khó để cộng đồng xây dựng được một kế hoạch khả thi để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
Rừng giao cho cộng đồng quản lý phần lớn thuộc loại nghèo và nghèo kiệt nên nguồn thu từ rừng của cộng đồng rất hạn chế. Hoạt động lâm sinh để cải thiện, nâng cao chất lượng rừng rất ít được đầu tư, ngay cả kinh phí bảo vệ rừng hàng năm đáng ra cộng đồng phải được hưởng như các chủ rừng khác cũng không được cấp. Vô tình, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý trở thành khoán trắng cho họ, nên thật khó để cộng đồng có được các quyền lợi, được pháp luật công nhận như họ mong đợi từ việc quản lý rừng nhà nước giao.
Phần lớn người dân biết được các văn bản pháp lý chủ yếu thông qua những buổi họp thôn. Tuy nhiên, hiểu biết của họ về các chính sách của nhà nước liên quan đến đất đai, giao đất giao rừng còn khá hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho việc thực thi các văn bản pháp lý về giao đất giao rừng chưa thực sự mang lại kết quả như mong đợi. Việc cán bộ cơ sở và người dân biết, hiểu các chính sách về rừng phụ thuộc nhiều vào mức độ tác động trực tiếp của từng chính sách đến hoạt động quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng của người dân, hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến chính sách đó của các cơ quan liên quan.
Một bất cập khác làm cho các văn bản pháp lý của nhà nước chưa thực sự đến được với đồng bào dân tộc vì thiếu cán bộ là người dân tộc thiểu số thông hiểu các chính sách để hướng dẫn cho bà con.
Theo ông Dũng, để khắc phục những bất cập này, cần phải có một chính sách đột phá, đó là ở tỉnh Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn áp dụng Thông tư 23/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất. Tạo điều kiện cho người dân cải tạo rừng để có thêm đất sản xuất, trông cây đa tác dụng thân gỗ để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, kinh tế, xã hội đồng thời tận thu lâm sản sau cải tạo rừng, bù đắp chi phí bảo vệ rừng.
Cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp xã và xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ, phát triển rừng của xã. Hai công việc này cần gắn liền với nhau nhằm đảm bảo những hoạt động bảo vệ phải gắn với phát triển rừng; giao đất lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Góp phần giải quyết bài toán “lấy ngắn nuôi dài” trong quản lý bảo vệ rừng, phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng của từng chủ rừng để hoàn chỉnh hồ sơ giao rừng đối với rừng tự nhiên đã giao trước năm 2010; kiến nghị thu hồi diện tích rừng được giao đối với những chủ rừng không tổ chức quản lý bảo vệ có hiệu quả hoặc giao không đúng thẩm quyền.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng cơ chế hưởng lợi cho người dân nhận rừng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; có chính sách hỗ trợ cây giống cho đồng bào miền núi để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Cần tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao nhận thức, năng lực về quản lý rừng cộng đồng cho người dân, đặc biệt với những đối tượng được giao rừng. Cần đào tạo đội ngũ truyền thống viên địa phương, người có kỹ năng về truyền thông cũng cần am hiểu văn hóa địa phương, đặc biệt cần nói, nghe được tiếng của đồng bào dân tộc để có thể truyền đạt, hướng dẫn, giải thích các chính sách cho đồng bào có hiệu quả, ông Dũng cho biết.