Giám sát an toàn thực phẩm tại Lạng Sơn
Đoàn giám sát đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND TP Lạng Sơn, Chi cục Hải quan Tân Thanh, thị sát hoạt động tại Cửa khẩu Tân Thanh, điểm trưng bày và bán rau an toàn tại chợ Bờ Sông, đường Nguyễn Tri Phương, TP. Lạng Sơn, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai ở phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích 8.323 km 2với dân số hơn 76 vạn người, có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc dài 231,74 km, có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Vị trí địa lý trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn nhưng đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động nhập lậu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, phụ gia, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng vào nội địa, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vệ sinh ATTP.
Thị sát hoạt động kiểm tra ATTP tại cửa khẩu Tân Thanh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Lạng Sơn hiện có 7.324 cơ sở thực phẩm (754 cơ sở sản xuất chế biến, 3.724 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.963 cơ sở dịch vụ ăn uống). Bên cạnh đó, địa phương hiện có hơn 6.000 ha rau an toàn với sản lượng trên 70 nghìn tấn/năm, hơn 40 ha Na, 20 ha Hồng, 7,5 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Thực phẩm nhập khẩu qua đường chính ngạch chủ yếu là nông sản, chủ yếu được kiểm tra bằng phương pháp test nhanh.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết tỉnh luôn coi vệ sinh ATTP là nhiệm vụ quan trọng, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 không có vụ ngộ thực phẩm lớn nào xảy ra trên địa bàn. Để triển khai Chương trình vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chương trình 90), tỉnh đã ban hành Kế hoạch phối hợp giữa UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát.
Thành viên đoàn giám sát – bà Phạm Thị Ngọc, Chánh văn phòng Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam, đã hoan nghênh những kết quả ấn tượng mà Lạng Sơn đạt được khi triển khai Chương trình 90. Đó là: 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, kiểm tra và giám sát ATTP; 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.Tuy nhiên, bà Ngọc lưu ý các cơ quan quản lý và chính quyền tỉnh Lạng Sơn kiểm soát chặt hơn đầu vào của các cửa hàng rau an toàn, đồng thời gợi ý đầu ra bền vững cho rau an toàn và giúp mô hình này phát triển bền vững như đề nghị các sở, ngành sử dụng rau an toàn cho các bếp ăn tập thể. Đối với việc kiểm soát ATTP hàng nhập khẩu, bà Ngọc đề xuất Lạng Sơn xây dựng các mô hình cụm dân dọc biên giới cam kết ngăn chặn thực phẩm bẩn nhập khẩu vào Việt Nam.
Kết luận buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát, nhận định: Để triển khai Chương trình 90, các cấp chính quyền, MTTQ, đoàn thể ở Lạng Sơn đã vào cuộc tích cực thể hiện qua các văn bản chỉ đạo, phối hợp, đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP từ cấp tỉnh đến cơ sở và đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên. Ông Đạo đề nghị cùng với việc tiếp tục thực hiện Chương trình 90, Lạng Sơn cần triển khai thực hiện Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/1/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Được biết, sau Lạng Sơn, đoàn giám sát sẽ làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác vệ sinh ATTP.
Bà Phạm Thị Ngọc, Chánh văn phòng Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam, thành viên đoàn giám sát, nêu một số đề xuất với UBND tỉnh Lạng Sơn.