Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005: Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỷ XX
Cụm công trình gồm ba cuốn sách đã xuất bản: “Louis Aragon” (NXBÐH và THCN, Hà Nội, 1987, 456 trang; giáo dục, Hà Nội, 1997-380 trang); “Tiểu thuyết Pháp hiện đại - những tìm tòi đổi mới” (NXB KHXH, Hà Nội, 1990, 240 trang - tái bản năm 2002, 281 trang); “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI” ( NXB TP Hồ Chí Minh, 2001, 457 trang).
Giáo sư Phùng Văn Tửu là chuyên gia hàng đầu về giảng dạy và nghiên cứu văn học Pháp, nhất là văn học hiện đại Pháp.
Cụm công trình của giáo sư Phùng Văn Tửu nêu rõ những xu hướng đổi mới về nghệ thuật của các nhà tiểu thuyết Pháp hiện đại, trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ, chủ yếu từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến năm 2000. Ðây là thời kỳ hết sức sôi động của tiểu thuyết Pháp theo hướng đổi mới nghệ thuật, bao gồm cả kỹ thuật viết.
Trong cuốn sách “Louis Aragon”, giáo sư Phùng Văn Tửu tập trung nghiên cứu những tìm tòi đổi mới tiểu thuyết của một tác giả là một nhà văn cộng sản khi ông vừa qua đời. Ðó là những vấn đề: Nổi loạn văn chương; phá tung thể loại tiểu thuyết; từ cái thực đến cái siêu thực; thế giới thực tại và thế giới sáng tạo; lịch sử và hư cấu...
Cuốn sách có 12 chương thì chín chương tác giả dùng để chứng minh những tìm tòi đổi mới về nghệ thuật tiểu thuyết của L. Aragon. Sách được in lần đầu năm 1987 và tái bản năm 1997. Cuốn Tiểu thuyết Pháp hiện đại, những tìm tòi đổi mới gồm bốn chương, mở rộng nghiên cứu những tìm tòi, thể nghiệm đổi mới của nhiều nhà tiểu thuyết Pháp sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến những năm 70 của thế kỷ 20. Ðây là thời kỳ người ta băn khoăn không biết tiểu thuyết sẽ đi đến đâu, tương lai của thể loại này ra sao? Nổi bật trong thời kỳ này là trào lưu tiểu thuyết mới với nhiều tìm tòi thể nghiệm của N.Sa-rốt-tê, Clau-đơ Si-mông, A-lanh Rốp-be-Gri-let, Mi-chel Bu-tô. Cuốn sách này được tái bản sau 12 năm (năm 2002).
Cuốn “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI” nghiên cứu những tìm tòi, thể nghiệm đổi mới nghệ thuật của tiểu thuyết Pháp hai mươi năm cuối thế kỷ XX. Cuốn sách gồm bốn phần, mỗi phần lại chia thành nhiều chương, đề cập hàng loạt nhà tiểu thuyết với mức độ đậm nhạt khác nhau. Bảy danh mục tra cứu tên các nhà văn trong lần tái bản năm (2005) lên tới gần chục trang, mỗi trang hai cột.
Ðịnh hướng nghiên cứu cụm công trình là xem xét vấn đề một cách khách quan, khoa học và từ điểm nhìn của Việt Nam, không giáo điều, phủ nhận những cái mới mẻ, nhưng cũng không xu thời, xem cái gì mới lạ cũng là hay. Cụm công trình đã kết hợp nhuần nhuyễn những vấn đề lý luận với thực tiễn sáng tác cụ thể, thông qua việc phân tích hàng loạt tác phẩm của các nhà tiểu thuyết; tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học nghiên cứu sinh, đồng thời phần nào giúp ích cho giới sáng tác trong nước.
Hội đồng Giải thưởng quốc gia cho rằng: Bằng phương pháp tiếp cận mới và vốn hiểu biết sâu sắc về văn học Pháp, tác giả đã có những phân tích, đánh giá sâu sắc về sự nghiệp của nhà văn nổi tiếng L.Aragon và những khuynh hướng phát triển của văn học hiện đại Pháp.
Nguồn: nhandan.com.vn 15/10/2005